Wednesday 17 March 2010

Bất hợp lý phí tư vấn xây dựng công trình giao thông


Quyết định số 957/QĐ-BXD công bố định mức chi phí Quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình




10:22' AM - Thứ hai, 26/10/2009

Định mức mới của Bộ Xây dựng có nhiều quy định khó hiểu, khó áp dụng, trái với một số quy định hiện hành. Mức phí cho các dịch vụ tư vấn xây dựng công trình giao thông quy định thấp nhất trong các loại hình tư vấn xây dựng công trình là bất hợp lý và thiếu nhiều hạng mục chi phí.

Một số chuyên gia làm dự toán cho rằng ngay phần “Hướng dẫn chung” (1) áp dụng định mức ban hành theo Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng cũng đã làm khó cho các ban quản lý dự án và các tư vấn rồi.

Hướng dẫn áp dụng nói là: trường hợp vận dụng định mức này không phù hợp thì chủ đầu tư xem xét quyết định điều chỉnh định mức hoặc lập dự toán để xác định chi phí (1.1). Hướng dẫn như vậy là luôn luôn bất cập, vì thực tế chẳng có ai dám tự quyết định điều chỉnh định mức cả. Dù có không phù hợp, nhưng để bảo vệ được ý kiến phù hợp của mình thì là “chưa được vạ, má đã sưng” với cơ quan thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra chỉ căn cứ vào định mức, không có chấp nhận cái gì khác định mức bao giờ.

Cũng phần Hướng dẫn chung này, hướng dẫn: với trường hợp dự án có quy mô lớn hơn quy mô công bố tại Quyết định này, thì áp dụng “phương pháp ngoại suy” hoặc lập dự toán để xác định chi phí (1.4). Theo các chuyên gia dự toán thì chỉ có thể “nội suy”. Ví dụ: để tính chi phí thẩm tra dự toán công trình hoặc gói thầu công trình giao thông được duyệt là 6.500 tỉ đồng, thì mức này không có trong bảng định mức số 16 “Định mức chi phí thẩm tra dự toán công trình”.

Tuy vậy, có thể dựa vào 2 định mức gần nhất, cho công trình có giá trị được duyệt là 5.000 tỉ đồng (0,018%) và công trình 8.000 tỉ đồng (0,015%), để suy ra định mức ở trong phạm vi đó. “Nội suy” có thể tính được định mức phí thẩm tra dự toán cho công trình trị giá 6.500 tỉ, sẽ ở trong khoảng từ 0,018% - 0,015%. Còn một khi định mức chỉ có cho công trình lớn nhất đến 8.000 tỉ, mà không có hướng dẫn, thì "đố ai" có thể “ngoại suy” ra công trình 10.000 tỉ có phí thẩm tra là bao nhiêu.

“Hướng dẫn áp dụng định mức chi phí quản lý dự án” (2) cũng gây nhiều thắc mắc. Theo hướng dẫn tại phần 2.1 thì nghĩa là “chi phí quản lý dự án” chỉ là “để tổ chức quản lý việc thực hiện các công việc quản lý dự án” (khâu gián tiếp). Vậy còn việc thực hiện quản lý dự án (khâu trực tiếp) không rõ lấy kinh phí ở đâu? Và mặc dù là gián tiếp, song kinh phí dành cho công việc này lại được quy định (Bảng số 1 - ví dụ: công trình giao thông 100 tỉ đồng có phí 1,375%, 200 tỉ đồng có phí 1,285%... ) lớn gấp 2-3 lần phí cho thiết kế (Bảng số 8 - ví dụ: công trình giao thông 100 tỉ đồng cấp đặc biệt, phí 1,26%, cấp 1 phí 0,81%, cấp 2 phí 0,73%. Công trình giao thông 200 tỉ đồng cấp đặc biệt phí 1,145%, cấp 1 phí 0,73%, cấp 2 phí 0,67%...

Quy định tại (2.9) còn trái với quy định hiện hành. Điều này hướng dẫn: “trường hợp chủ đầu tư đủ năng lực để kiêm nhiệm thực hiện một số công việc tư vấn trong quá trình quản lý dự án thì chi phí...”. Trong khi “Hướng dẫn cấp chứng chỉ cho kĩ sư định giá xây dựng” quy định: cá nhân là công chức đang làm việc cho các cơ quan hành chính nhà nước thì không được cấp chứng chỉ kĩ sư định giá xây dựng (số 1797/SXD-QLKT ngày 27/8/2008 của Sở Xây dựng Hà Nội). Hiện tại phần lớn các dự án lớn tại VN do các cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư. Công chức nhà nước làm tại các cơ quan này như vậy không thể được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn, sao có thể đủ năng lực để kiêm nhiệm làm công việc tư vấn được?

Hướng dẫn áp dụng định mức chi phí thiết kế cũng rất nhiều điểm có nhiều cách hiểu khác nhau và các quy định không phù hợp, chênh phí rất lớn.

Phần (3.3.1), (3.3.2) quy định không thống nhất: “trường hợp dự án gồm nhiều loại công trình thì chi phí thiết kế được xác định riêng theo từng loại công trình và tính theo quy mô chi phí xây dựng trong dự toán của từng công trình được duyệt”. Trên thì là “loại công trình”, dưới lại là “công trình”, không biết xác định theo cái nào. Công trình và loại công trình là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. “Loại công trình” có 5 loại: dân dụng, giao thông, công nghiệp, thủy lợi, hạ tầng. Còn “công trình” thì riêng trong giao thông có đủ các công trình như cầu, đường, chiếu sáng, thoát nước, nhà quản lý thu phí, bãi đỗ...

Cầu Vĩnh Tuy do TEDI tư vấn, thiết kế. ảnh: Anh Tôn

Theo các chuyên gia, 2 cách tính cho 2 mức phí chênh nhau 2-3 lần. Ví dụ: dự án cải tạo 140 cầu trên QL 1A, nếu tính chi phí thiết kế theo công trình thì chỉ 10 tỉ đồng, nếu tính theo loại công trình, phí thiết kế lên đến 28 tỉ.

“Một số lưu ý khi áp dụng định mức chi phí thiết kế công trình giao thông” cũng rất bất cập. Phần (4) quy định định mức chi phí thiết kế một số công trình giao thông được điều chỉnh với các hệ số: Công trình hầm đường ô tô, hầm đường sắt, hầm cho người đi bộ, các nút giao thông khác mức cấp I: K=1,50, cấp II: K= 1,65, cấp III: K=1,86... Với hệ số này, nhân với định mức tại Bảng số 9 cho công trình cấp I, cấp II, thì phí thiết kế bản vẽ thi công của công trình cấp I, cấp II lại còn lớn hơn cho công trình cấp đặc biệt (vốn có mức độ phức tạp hơn rất nhiều).

Ví dụ công trình cầu đường bộ có nhịp dài hơn 200 mét mới được coi là “Cấp đặc biệt”. Cầu này tư vấn lớn, có kinh nghiệm mới làm được. Và ví dụ chi phí xây dựng cầu này là 500 tỉ đồng, thì phí tư vấn thiết kế bản vẽ thi công cho công trình cấp đặc biệt này là 1,66%. Nếu là cầu có nhịp 100-200 mét, thì được xác định là công trình cấp I, định mức 1,38% nhân với hệ số 1,50 sẽ cho phí thiết kế là 2,07 - lớn hơn phí cho công trình đặc biệt khá nhiều.

Một sự bất hợp lý khác có thể nhận thấy ở tất cả các định mức, đó là định mức cho công trình giao thông luôn luôn ở mức thấp nhất trong số 5 loại công trình xây dựng gồm các công trình: dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, hạ tầng kĩ thuật: từ định mức chi phí lập dự án đầu tư (Bảng số 2), định mức chi phí lập báo cáo kinh tế, kĩ thuật (Bảng số 3), định mức chi phí thiết kế kĩ thuật, chi phí thiết kế bản vẽ thi công... Các chuyên gia cho rằng về nguyên tắc không thể nào công trình dân dụng, công trình hạ tầng kĩ thuật lại có mức độ khó, mức độ phức tạp hơn công trình giao thông được. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là, phải chăng Bộ Xây dựng có quá thiên vị khi xây dựng định mức cho ngành mình?

Theo ông Hoàng Anh - Chuyên gia dự toán Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT: Quy định này của Bộ Xây dựng vẫn còn khá nhiều điểm bất cập. Một số hạng mục, mức phí đã được điều chỉnh tăng so với trước song mức tăng rất ít và chưa sát với thực tế hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông. Cách tính phí tư vấn dựa vào định mức và tính trên giá trị hợp đồng xây lắp là chưa khuyến khích được các chuyên gia, kĩ sư tư vấn đầu tư chất xám nghiên cứu giảm giá thành công trình, trong khi đây mới là lao động mang lại lợi ích lớn nhất cho xã hội.

Phương Dung

source
http://www.giaothongvantai.com.vn/

7 bất cập về thủ tục hành chính trong xây dựng


Thứ Bẩy, 20/09/2008 - 08:12


(Dân trí) - Bộ Xây dựng đã chỉ ra 7 bất cập về thủ tục hành chính của dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Đây là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính.

Thứ nhất, về thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, hiện còn nhiều đô thị chưa phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 nên thiếu cơ sở để quản lý, dẫn đến tình trạng phải thoả thuận về quy hoạch, kiến trúc, làm phát sinh thủ tục, mất nhiều thời gian, dễ dẫn đến tuỳ tiện, tiêu cực.

Khi thẩm định quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, thì lại chưa thực hiện cơ chế “một cửa”, chủ đầu tư phải đi lấy ý kiến của từng cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, môi trường, quốc phòng, hạ tầng kỹ thuật và các cơ quan có liên quan.

Thứ hai, các điều kiện để tổ chức đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định hiện nay khó thực hiện, nhất là quy định điều kiện về giá sàn tiền sử dụng đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Thứ ba, việc đánh giá tác động môi trường làm thành 1 thủ tục riêng như hiện nay đang làm phát sinh thủ tục, tốn nhiều thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư.

Thứ tư, thủ tục liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 3 loại dự án trên chưa phù hợp thực tế, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Thứ năm, tại văn bản số 3803/BQP ngày 28/7/2006 của Bộ Quốc phòng “về việc quản lý các công trình xây dựng đảm bảo tĩnh không cho hoạt động bay, quản lý vạch ngang bảo vệ vùng trời” có yêu cầu đối với các công trình trong phạm vi quy định, chủ đầu tư phải xin ý kiến thoả thuận của Bộ Quốc phòng về chiều cao công trình.

Đây cũng là một thủ tục mà nhiều địa phương và các nhà đầu tư đề nghị cải tiến để cho chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng không phải đi xin thoả thuận của Bộ Quốc phòng cho từng công trình cụ thể.

Thứ sáu, theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP thì tất cả các dự án có vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên (bao gồm cả dự án đầu tư trong nước, dự án có vốn đầu tư nước ngoài) đều phải làm thủ tục đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các dự án từ 300 tỷ đồng trở lên thì phải làm thêm thủ tục thẩm tra trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Trong quá trình rà soát thủ tục hành chính, làm việc với các địa phương, các nhà đầu tư, nhiều ý kiến đề nghị bỏ thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, chỉ nên áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài như trước đây.

Thứ bẩy, một số địa phương tự đặt ra các thủ tục hoặc yêu cầu chủ đầu tư phải làm không đúng với quy định của Chính phủ như: xác nhận ranh giới đất không có tranh chấp, khiếu kiện; thoả thuận về địa điểm của dự án; chấp thuận đề cương nhiệm vụ đồ án quy hoạch; chấp thuận lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng; chấp thuận về ranh giới, mốc giới và diện tích ô đất để lập quy hoạch...

Thậm chí còn yêu cầu chủ đầu tư đi xin ý kiến của nhiều cơ quan chuyên môn như: cấp điện, cấp nước, môi trường, phòng cháy chữa cháy, di tích lịch sử - văn hoá, tôn giáo, an ninh, quốc phòng...

Theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng, số lượng thủ tục của 3 loại dự án nêu trên vẫn còn tới khoảng 33 thủ tục/dự án và kéo dài tới 3 năm, trong đó có những thủ tục do địa phương tự đặt ra hoặc yêu cầu chủ đầu tư phải làm trái với quy định của Chính phủ.

Vì thế, việc chỉ ra những bất cập của bộ Xây dựng có ý nghĩa quan trọng cho việc ban hành Nghị Quyết về một số giải pháp trong cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng.

Lan Hương

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-251578/7-bat-cap-ve-thu-tuc-hanh-chinh-trong-xay-dung.htm

Sự cố công trình xây dựng - Bất cập trong quy định hiện hành và kiến nghị khắc phục


Sự cố công trình xây dựng - Bất cập trong quy định hiện hành và kiến nghị khắc phục

Trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan việc hướng dẫn quản lý chất lượng, xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, xử lý công trình khi có sự cố,… như các nghị định NĐ 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004, NĐ 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007, NĐ 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ, các Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22/7/2009, số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng…, qua đó đã tạo căn cứ để xử lý các vấn đề liên quan đến giải quyết các sự cố trong hoạt động xây dựng.

I. GIẢI QUYẾT SỰ CỐ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG:

Từ thực tế hoạt động xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh, một số nội dung của các văn bản liên quan đã ban hành nêu trên nhằm xử lý công trình xây dựng gây ảnh hưởng hư hỏng cho công trình lân cận đã xuất hiện các bất cập, không khả thi, dễ bị lợi dụng, cần được điều chỉnh theo hướng “xã hội hóa” để các bên liên quan dễ xử lý, để vai trò QLNN của các địa phương không còn lúng túng khi giải quyết sự cố công trình xây dựng xảy ra ở các quy mô khác nhau.

- Theo định nghĩa, ở điều 3, Luật Xây dựng, Sự cố công trình xây dựng là những hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép, làm công trình có nguy cơ sụp đổ, đã sụp đổ 1 phần hay toàn bộ, hoặc công trình không thể sử dụng được theo thiết kế.

Riêng về cụm từ “không thể sử dụng được theo thiết kế”, chưa được giải thích chi tiết, trên thực tế đã diễn ra cách hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đã có những công trình tuy gây ảnh hưởng rất nhẹ đến công trình lân cận, như nứt nhẹ tường, lún nhẹ nền, rất hay xảy ra ở các công trình xây chen trong các đô thị của cả nước, nhưng được hiểu là không sử dụng được theo thiết kế, là sự cố và Thanh tra xây dựng địa phương tiến hành đình chỉ thi công ! Hơn nữa:

- Nghị định 180/2007/NĐ-CP, ở điều 5, Công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đô thị phải bị xử lý, bao gồm “công trình có tác động đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư”. Chính định nghĩa được định lượng không rõ ràng này một lần nữa đang gây khó khăn thêm cho việc áp dụng thực tế; đặc biệt khi chủ đầu tư và các hộ dân lân cận bị ảnh hưởng đã có mâu thuẫn nhau từ trước hay những hộ bị ảnh hưởng có sự tính toán chi li quá đáng. QLNN khi thực hiện nhiệm vụ, đã lúng túng khi xử lý tình huống.

Đối với hành vi vi phạm TTXD đô thị này, khi xảy ra, chủ đầu tư bị buộc bồi thường thiệt hại, là lẽ đương nhiên, nhưng mọi công trình phải bị đình chỉ thi công.

Điều 15 của Nghị định 180/2007/NĐ-CP lại quy định về xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư: Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại:

a) Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; trường hợp các bên không thỏa thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại Tòa án;

b) Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.

Nội dung bồi thường thiệt hại lại không quy định rõ ràng, thực tế được hiểu theo nhiều nghĩa!

- Thông tư 24/2009/TT-BXD:

Điều 4 – khoản 5 – mục b – công trình xây dựng gây ảnh hưởng hư hỏng cho công trình lân cận sẽ bị lập biên bản yêu cầu ngưng thi công và chỉ được thi công lại nếu đạt một trong các điều kiện sau:

+ Hai bên tự thỏa thuận được việc bồi thường;

+ Bên bị thiệt hại vắng mặt không có lý do chính đáng trong cả 2 buổi thỏa thuận do Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức;

+ Có quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

Nhưng nếu phải giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án thì thường là thời gian thụ lý sẽ kéo dài. Chắc chắn để xử, Tòa sẽ cần trưng cầu giám định; xử xong, bên bị hại không đồng ý, khiếu nại cấp Tòa cao hơn…; công trình tiếp tục bị ngưng thi công. Đã có trường hợp người thi công rất lâu dẫn đến gây thiệt hại nặng cho chủ đầu tư (trong nhiều trường hợp, giá trị thiệt hại do không thể đầu tư lớn hơn nhiều lần giá trị thiệt hại của bên bị ảnh hưởng)!

Số lượng công trình xây dựng nhiều nhất trên các địa bàn, vẫn là nhà ở liên kế phố trong những đô thị hiện hữu, trong đó nhiều công trình chủ đầu tư còn được phép tự thiết kế, không thuê giám sát, và do đó dễ xảy ra, những hành vi “vi phạm trật tự đô thị” đã nêu, nếu không có những hướng dẫn thật chi tiết. Thực tế nhiều trường hợp dẫn đến việc bên bị hại gây khó khăn, khiếu kiện kéo dài – kể cả khi 2 bên (gây hại và bị hại) đều thống nhất thuê một đơn vị trưng cầu giám định, nhưng sau đó lại phủ nhận kết quả trưng cầu này do bất lợi cho mình ! Công trình bị đình chỉ trong thời gian dài, nhiều trường hợp sẽ làm bên gây hại trở thành bên bị hại và ngược lại.

- Việc “bồi thường thiệt hại” chưa quy định cụ thể, trên thực tế lại xảy ra những yêu cầu bồi thường, không chỉ về vật chất (đương nhiên), mà còn bồi thường những thiệt hại về kinh tế, về tinh thần… rất khó xác định. Đó là chưa kể đến việc phải đưa ra Tòa, Tòa án địa phương hầu hết đều lúng túng khi thụ lý những vụ án có nội dung này và nếu có thanh lý, lại phải thuê, một tư vấn độc lập để kiểm định, định giá. Bản thân đơn vị này cũng chỉ xác định giá trị thiệt hại về vật chất mà thôi. Sự tranh cãi bất tận; sự khiếu kiện có thể kéo dài đến các cấp Tòa cao hơn, như đã trình bày ! Kết quả là công trình bị đình chỉ thi công lâu dài!

Việc “bồi thường thiệt hại” trên thực tế tại TP.HCM, còn xảy ra trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính giải quyết sự cố lớn cho các nhà lân cận; nhà thầu thì không tìm được, và bản thân nhà thầu cũng không khắc phục được (công trình đưa vào sử dụng gần 1 năm), như nhà 124A đường số 11 - phường 5 - quận Gò Vấp 2 tầng, mái bằng, sụp đổ, gây ảnh hưởng đến những nhà lân cận trong đó có 1 nhà 4 tầng (xem hình 1). Trước mắt, chính quyền quận Gò Vấp phải ứng ngân sách để trang trãi tất cả các chi phí khắc phục, đảm bảo lại an toàn cho khu vực, còn chủ đầu tư chấp nhận thụ án Tòa, khi vụ án được chính quyền khởi kiện !

Tất cả những trường hợp bất cập đó, cần được sửa đổi, hướng dẫn để giải quyết theo hướng hội nhập, xã hội hóa.

II. VẤN ĐỀ MUA BẢO HIỂM:

Điều 51, 58, 90 của Luật Xây dựng quy định các nhà thầu khảo sát, thiết kế, giám sát thi công có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Điều 72. Luật Xây dựng quy định nhà thầu thi công xây dựng công trình có nghĩa vụ mua bảo hiểm. Tuy nhiên Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiệu lực 01/4/2001) lại quy định bảo hiểm trong hoạt động xây dựng không phải là bảo hiểm bắt buộc. Việc mua bán bảo hiểm trong hoạt động xây dựng được thực hiện như đối với các loại hình bảo hiểm tự nguyện phi nhân thọ khác. Các doanh nghiệp bảo hiểm có quyền chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của từng loại hình bảo hiểm tương tự các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác (văn bản giải thích số 13994/BTC-BH ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn cho Sở Xây dựng TP.HCM) !

Thực tế, việc mua bảo hiểm trong các hoạt động xây dựng hiện nay đang diễn ra theo hướng:

- Các đơn vị tư vấn (khảo sát, thiết kế, giám sát) mua bảo hiểm cho đơn vị mình theo 1 trong 2 dạng: mua cho toàn bộ hoạt động tư vấn có hợp đồng trong năm tài chính hay mua theo từng hoạt động riêng lẻ. Mức mua (và mức chi trả bảo hiểm tương ứng) không quy định mức sàn, nên thường là mua giá trị thấp, chiếu lệ, để không bị phạt khi Thanh tra xây dựng kiểm tra công trình. Các doanh nghiệp bảo hiểm do vậy cũng không cần thuê chuyên gia để phải xem xét năng lực tư vấn, giải pháp thiết kế, mức độ an toàn … để có cách hành xử (bán bảo hiểm) phù hợp như thông lệ các nước. Đặc biệt, các hoạt động tư vấn cho những công trình riêng lẻ của dân cư trong đô thị xây chen hầu như không mua bảo hiểm. Kết quả là khi xảy ra sự cố, do sơ suất nghề nghiệp, đơn vị tư vấn không đủ khả năng tài chính để khắc phục, gây thiệt hại cho xã hội và phức tạp cho việc quản lý các hoạt động xây dựng.

- Các đơn vị thi công, do chưa bắt buộc mua, nên thường là không mua bảo hiểm thi công công trình,. Nếu có, đối với công trình lớn, là mua bảo hiểm máy móc thiết bị sử dụng và trách nhiệm bên thứ ba (và cũng chỉ mua tượng trưng). Việc mua đầy đủ các loại bảo hiểm công trình xây dựng, trang thiết bị và máy móc phục vụ xây dựng… thường chỉ tiến hành với những dự án lớn, đặc biệt các dự án liên quan đến đầu tư nước ngoài (FDI, ODA). Nhiều trường hợp khi sự cố xảy ra do biện pháp thi công, chủ đầu tư (và nhà thầu) rất khó khăn về năng lực tài chính để khắc phục.

- Các văn bản pháp lý hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm, chủ yếu lại gồm những hướng dẫn các nội dung liên quan đến thành lập đơn vị, hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Hoàn toàn đang để trống những nội dung, những quy định cần có để hướng dẫn chi tiết về bảo hiểm trong hoạt động xây dựng.

- Và do đó, cùng với nhiều yếu tố khác nữa (an toàn của lưới bao che công trình, của giải pháp chống vách tầng hầm khi thi công, kiểm tra chất lượng vách tầng hầm có kỹ sư chuyên trách an toàn tại công trường…) không được xem xét đúng mức đã làm cho giá xây dựng chưa tính đúng, tính đủ, dễ xảy ra sự cố và gây cản ngại cho việc xử lý sự cố nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi bên bị hại.

Chính vì vậy, ở nhiều công trình xây dựng trên cả nước hiện nay, việc mua các loại bảo hiểm của các bên vẫn còn là hình thức. Và đã là hình thức, đơn vị bán bảo hiểm cũng không cần năng lực chuyên môn cao về xây dựng, để có thể đánh giá năng lực của tư vấn, sự an toàn, hợp lý của biện pháp thi công nhằm xác định đúng giá trị cần bán bảo hiểm… Bảo hiểm đã không là cánh tay nối dài của các đơn vị QLNN trong hoạt động xây dựng, khi các hoạt động này diễn ra ở khắp các địa phương, hàng ngày. Bản thân lực lượng Thanh tra xây dựng cũng không đủ năng lực để kiểm tra, ngăn ngừa sự cố từ đầu và cũng không thể làm được khi không thường xuyên, liên tục có mặt ở công trình. Những bất cập này cần được khắc phục nhanh chóng, ngay từ đầu, một cách có hệ thống, bằng các quy định chặt chẽ của pháp luật. Trách nhiệm đa phần đang thuộc Bộ Tài chính.

III. NHỮNG KIẾN NGHỊ

1- Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, ảnh hưởng nhẹ đến công trình lân cận (phải do QLNN theo phân cấp ở các địa phương tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm khi đã xảy ra), phải buộc đình chỉ thi công nhưng tối đa 7 ngày, để xác định mức độ hư hại thật sự về vật chất và để chủ đầu tư công trình gây ảnh hưởng tự sửa chữa, khắc phục triệt để. Sau thời hạn này, nếu kết quả kiểm tra cho thấy hư hỏng không đáng kể, phương án thi công sẽ không gây ảnh hưởng tiếp và chủ đầu tư đã khắc phục sửa chữa, bồi thường các thiệt hại công trình sẽ được phép tiếp tục thi công. Nếu sau đó, tiếp tục gây ảnh hưởng công trình lân cận, mới buộc đình chỉ thi công để có giải pháp khắc phục triệt để được thẩm tra. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng công trình vẫn được tiến hành; biện pháp đình chỉ thi công không xác định rõ thời gian chỉ áp dụng đối với công trình gây sự cố lớn cho công trình lân cận.

2- Việc bồi thường thiệt hại vẫn do các bên tự thỏa thuận, dù nhiều trường hợp không chỉ là bồi thường về thiệt hại vật chất. Tuy nhiên, nếu hai bên không thỏa thuận được, phải khởi kiện ra Tòa, thì khi Tòa thụ lý vụ án, án phí được đóng, bên gây hại cam kết chấp hành án tòa, không kiện cấp Tòa cao hơn, thì cần giải tỏa quyết định đình chỉ thi công công trình. Vấn đề bồi thường sẽ tiếp tục thực hiện sau đó, theo kết quả phân xử của Tòa.

3- Cần sửa đổi và bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm, theo đó buộc nhà thầu xây dựng (hay chủ đầu tư) phải mua bảo hiểm cho công trình thiết bị thi công, cho trách nhiệm bên thứ ba, với những mức chi tiết cho từng loại hính, từng quy mô, sự phức tạp của công trình phù hợp thông lệ khu vực. Điều này có thể làm tăng thêm chi phí cho nhà thầu, tư vấn, chủ đầu tư và cả người dân khi xây dựng lại nhà ở của mình, vì giá bỏ thầu sẽ cao hơn, nhưng là chi phí cần thiết cho một xã hội tiến bộ, để những bất cập xảy ra không bị lúng túng trong hành xử thực tế. Ngoài ra, bảo hiểm hoạt động tư vấn xây dựng (bắt buộc) cần quy định mức sàn, để tránh việc thực hiện còn hình thức, đối phó, như hiện nay. Bảo hiểm phải là cánh tay nối dài của QLNN về chất lượng công trình xây dựng, theo hướng xã hội hóa, xã hội tự giải quyết cách hệ thống, đúng mực và có thực hiện, góp phần quan trọng để giảm thiểu sự cố xảy ra và khi sự cố xảy ra, việc giải quyết sẽ không quá phức tạp, kéo dài, gây tranh cãi như hiện nay.

Các tin đã đưa
Bản khai kinh nghiệm của Hồ sơ Đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng phải có đóng dấu giáp lai
Thực hiện chương trình nhà ở và nâng cấp đô thị
Xử lý nhanh các chung cư xuống cấp
Dự án Quy hoạch phát triển VLXD Tp.HCM đến năm 2020
Nhà ở hai tầng trở xuống được tự khảo sát, thiết kế
TP HCM xây thêm 7 – 8 triệu m2 nhà ở một năm
Khởi công xây dựng 1.050 căn hộ tái định cư, tại phường 12, quận Bình Thạnh
Thêm 1.300 chỗ ở cho công nhân
TP.HCM: Chào đón mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở
Dành 3.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ xây nhà ở sinh viên
source http://www.constructiondpt.hochiminhcity.gov.vn/?ID1=99&CHANNEL_ID=37&NEWS_ID=&NEWSID=2296&CAP_ID=2&VIEW=1&NHOM=

Những bất cập khi mở đường trong Đô thị


Ngày 17 tháng 3 năm 2010

10:53' 5/6/2008

Việt Nam còn quá nhiều bất cập, từ quy hoạch đến giao dự án, thu hồi đất và giải toả mặt bằng. Hiện nay cơ chế chủ yếu là: Không có qui chế rõ ràng cho việc quản lý.

1. Ở các nước phương Tây (các nước tư bản) việc giải toả tại các trục đường và nút giao thông được giải quyết như thế nào?

Đối với các nước phương Tây, việc giải toả được giải quyết theo cơ chế thị trường và quyết định tư pháp.

- Ngay khi bắt đầu tiến hành công tác quy hoạch và lập dự án, các nhà đầu tư và chính quyền đều lấy ý kiến của người dân. Trước đó nữa, công tác tuyên truyền phổ biến đã được nhà đầu tư và nhà chức trách thực hiện rất tốt. Các phiếu lấy ý kiến của người dân được phát ra. Phiếu trưng cầu dân ý dưới dạng trả lời “yes” và “no” (Có và không ủng hộ). Đặc biệt tại các nước Đức, Pháp, Anh... nguyên tắc dân chủ được đưa lên hàng đầu. ý kiến của người dân hết sức được tôn trọng.

- Sau cả quá trình quy hoạch và lập dự án có sự tham gia của người dân (Quy hoạch cộng đồng), các nhà đầu tư sẽ nhận chuyển nhượng từ người dân một cách hết sức đơn giản. Người dân hiểu và việc đền bù, di dời, giải toả diễn ra hết sức nhẹ nhàng.

- Tuy nhiên thi thoảng hi hữu cũng có trường hợp phản kháng dự án bằng cách đòi giá trị đền bù hết sức cao. Trường hợp này nhà đầu tư và chủ sở hữu đưa ra toà án khu vực để giải quyết. ( Như giải quyết một vụ tranh chấp). Phán quyết về giá cả đền bù sẽ do toà án quyết định. Chủ đầu tư và người dân đều phải tuân thủ phán quyết này.

- Điều kiện áp dụng biện pháp này ở Việt Nam là hết sức khó khăn vì trình độ dân trí còn thấp kém. Tính chấp hành luật pháp chưa nghiêm. Trình độ quản lý và xử lý chưa rạch ròi, minh bạch. Mọi sự can thiệp của chính quyền chủ yếu là thuế và thị trường ( Gần như không có qui định hành chính).

Một góc đường trung tâm TP Đà Nẵng

2. Đối với Trung Quốc, một đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam:

- Trung Quốc xử lý vấn đề này mềm mại hơn và mang tính hành chính nhiều hơn. Các quyết định hành chính rất rõ ràng. Hiệu lực quy hoạch thực hiện rất tốt.

- Khi có quyết định qui hoạch, việc thực hiện quy hoạch này gần như là thực hiện luật pháp. Các công việc giải toả hay phương án quy hoạch hoàn toàn được áp đặt bằng phương pháp hành chính. Qui trình này đỡ tốn thời gian hơn, ngắn hơn qui trình của các nước phương Tây nhưng với điều kiện: Quy hoạch phải rất tốt.

- Trung Quốc dùng nhà nước để quyết định hoàn toàn từ quy hoạch, giải toả tới đền bù.

- Các nhà quản lý Trung Quốc nhận xét: Quản lý ở Việt Nam gần với thị trường hơn Trung Quốc. (Thu hồi đất thực hiện bồi thường, giải toả). Nên sử dụng cơ chế tự điều chỉnh của thị trường.

3. Những bất cập tại Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực này:

Việt Nam còn quá nhiều bất cập, từ quy hoạch đến giao dự án, thu hồi đất và giải toả mặt bằng. Hiện nay cơ chế chủ yếu là: Không có qui chế rõ ràng cho việc quản lý. Tiền bồi thường chiếm 80% giá trị dự án. Tiền xây dựng chiếm chỉ 20%. Đây là một trong những bất cập lớn.

a. Nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên là gì?

Tình trạng giải toả phụ thuộc vào cơ chế của UBND thành phố. Kế hoạch riêng cho từng địa phương.

- Có một số thành phố qui định: Nhà nước sẽ quản lý đất đai hai bên trục đường mới mở rộng (điển hình là Đà Nẵng) điều này dẫn đến khiếu kiện của người dân). Tuy nhiên, phương cách này đã đạt được thành công, tạo được phần kinh doanh hai bên đường, đưa lại đầu tư vào dự án. Như vậy sự quản lý thuận lợi hơn và tốt hơn.

- Cách thứ 2 để thực hiện giải toả là chỉ thu hồi đất theo chỉ giới mở đường. Không thu hồi hai phần đất bên đường. Trong phương án này, việc bồi thường, đền bù là thấp nhất. Nhưng như vậy phải có một cơ chế quản lý thật tốt. Nếu không tất yếu sẽ dẫn đến sự xây dựng lộn xộn bất cập.

Việc xây dựng lộn xộn, đất đai bị chiếm dụng hiện nay là do quản lý của chính quyền cơ sở còn nhiều yếu kém. để tồn tại những bất cập này cũng là một hình thức tham nhũng. Tính công bằng trong việc quản lý, thực thi chính sách của chính quyền hết sức kém. Cơ chế tạo công ăn việc làm chưa tốt.

b. Một số gợi ý về giải pháp khắc phục.

- Việt Nam có thể áp dụng cả hai cơ chế (Cơ chế thị trường như phương Tây và cơ chế áp đặt hành chính như Trung Quốc). Hiện nay, tại một số dự án, Việt Nam đã làm theo cơ chế thị trường. Nhưng Việt Nam không có sự can thiệp của luật pháp khi xảy ra tranh chấp giữa nhà đầu tư và người dân. (Chỉ trừ một số dự án trọng điểm nhà nước mới can thiệp). Không có bất cứ một cơ chế hành chính, tư pháp nào. Đây là vấn đề hết sức vướng mắc cho nhà đầu tư.

- Đối với cơ chế nhà nước thu hồi đất ở các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, chế xuất, chăn nuôi, dự án 100% vốn nước ngoài... đã được thực hiện khá tốt. Giá đất được công bố ở các địa phương vào tháng 1 hàng năm. Cơ chế cho phép UBND tỉnh định giá đất chênh lệch 20% so với giá chung của Chính phủ. Tuy nhiên, giá đất hiện nay vẫn thấp hơn giá thị trường là 30%-40%, đã có nghị định 17 ngày 27/1/2006 của Chính phủ nhưng hiện nay chưa tỉnh nào thực hiện.

- Trình tự thu hồi đất và đưa vào thực hiện dự án chưa tốt. Khâu tuyên truyền và hợp tác với người dân bị bỏ qua. Các bước khác thường bị thúc ép, chưa thoả đáng. Nhiều khi quyết định cưỡng chế đến quá sớm. Sắp tới sẽ ban hành nghị định từ khâu quy hoạch.

- Sau những con đường được mở rộng, vấn đề quản lý hết sức phức tạp. VD: Đường 5, tuy không giao đất hai bên đường nhưng người dân đã tự xây nhà dày đặc. Việc cần thiết là phải thực hiện triệt để qui định đã được duyệt .

- Trong trường hợp chỉ thu hồi đất theo chỉ giới đường. Việc quản lý chặt và nghiêm minh là rất quan trọng. Việc làm nhà sát mặt đường là hình thức không tốt. Do Việt Nam phát triển kinh tế còn kém, nên kinh tế hộ gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng. Việc tận dụng lao động của Việt Nam còn kém (bằng Thái Lan). Khi làm công tác quản lý phải lưu ý đến tạo môi trường kiếm sống.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

source

http://www.landtoday.net/vn/tintuc/xaydung/12129/index.aspx

Vướng mắc trong xây dựng cơ bản, đâu là nguyên nhân chính?

Cập nhật 09:36 ngày 11-05-2009
Cty Hương Giang (Bộ Quốc phòng) thi công
đường 70 đoạn qua Yên Bái.
ND- Mấy năm gần đây, thể chế đầu tư xây dựng nói chung và xây dựng cơ bản nói riêng liên tục có sự điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung. Tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, trở ngại làm chậm quá trình triển khai dự án và kìm hãm tiến độ giải ngân, nhất là đối với dự án đầu tư công.
Chúng tôi xin đề cập một số trở ngại đang có ý kiến chưa thống nhất về nguyên nhân chính, thông qua việc tổng hợp ý kiến trao đổi với một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu...
Thiếu minh bạch trong đấu thầu
Dù biết rằng, đấu thầu là phương thức tiến bộ, phù hợp với quá trình hình thành cơ chế thị trường trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và đã áp dụng khá nhiều năm nay, song đến thời điểm này, vẫn có người đặt ra câu hỏi đấu thầu hay chỉ định thầu hiệu quả hơn? Theo chúng tôi nắm được, thể chế về đấu thầu có sự phát triển liên tục, từ Pháp lệnh Ðấu thầu nâng lên thành Luật Ðấu thầu. Ðồng thời, một số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật này đã có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn. Thí dụ: Giữa năm 2008, Nghị định 58 Hướng dẫn thi hành Luật Ðấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng đã thay thế Nghị định 111 (ban hành tháng 9-2006 có cùng nội dung). Hoặc tháng 2-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 299 cho phép chỉ định thầu một số dự án nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, góp phần thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư. Trong đó, nới rộng quyền của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xem xét quyết định việc chỉ định thầu đối với dự án đầu tư dưới 5 tỷ đồng (trước đây quy định là dưới một tỷ đồng)... Ðây cũng là cơ sở để một số chuyên gia pháp lý thuộc lĩnh vực này cho rằng, những trở ngại còn lại chủ yếu thuộc khâu tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, câu hỏi: "Ðấu thầu hay chỉ định thầu hiệu quả hơn?" vẫn có cơ sở thực tế nhất định, nhất là về thiếu điều kiện đồng bộ để chọn được nhà thầu đủ năng lực với giá hợp lý hoặc thấp nhất. Tùy theo quy mô và tính phức tạp của dự án, nhìn chung để tổ chức đấu thầu trọn vẹn, phải mất khoảng dăm bảy tháng, có khi là cả năm. Nhìn chung, kết quả đấu thầu mấy năm gần đây chỉ giảm được khoảng một vài phần trăm so với giá dự toán.
Với mức tiết kiệm khiêm tốn như trên mà tạo được môi trường cạnh tranh phát triển và chọn được nhà thầu đủ năng lực cũng là thỏa đáng. Song chuyện "nhà thầu yếu" đang là vấn đề thời sự và là một trở ngại khá lớn đối với nhiều dự án sử dụng vốn trong nước. Ông Ðỗ Huy Duyệt, cán bộ Ban quản lý dự án giao thông 2 (Thanh Hóa), cho biết: Có nhà thầu hồ sơ dự thầu "đẹp như tranh", nguồn nhân lực đủ cả kỹ sư, thạc sĩ; thiết bị và xe máy thi công không thiếu; nguồn tài chính bảo đảm. Nhưng khi đã trúng thầu và "vào trận" thì bộc lộ nhiều bất cập. Có khi biết là hồ sơ dự thầu chưa phản ánh đúng thực lực doanh nghiệp, nhưng cơ sở pháp lý để gạt người ta ra đâu có dễ, không khéo lại sa lầy vào chuyện "kiện tụng" kéo dài. Phó Giám đốc Sở Xây dựng một tỉnh phía bắc tâm sự: Khi xét thầu, thấy có hiện tượng "quân xanh, quân đỏ" (chia ra để đấu nhưng thực chất là cùng phe) hoặc "phù dâu, phù rể" (tham gia với vai phụ, tạo điều kiện cho vai chính trúng thầu theo ý đồ đã bàn trước), song không thể làm rõ được đành cho qua. Nếu khơi ra, có khi bị quy là "nhiễu sự" làm chậm quá trình triển khai dự án... Ðôi khi, đấu thầu trở thành một cách "hợp thức hóa" sự thiếu minh bạch đối với việc lựa chọn đơn vị trúng thầu.
Thực tế nói trên, cộng với lý do mất quá nhiều thời gian để hoàn thành các bước trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư, không ít địa phương đã đề nghị lên cấp quản lý hành chính cao nhất cho phép chỉ định thầu để bảo đảm tiến độ triển khai dự án. Có nơi quá lạm dụng, xin chỉ định thầu tràn lan, chiếm hơn 50% số gói thầu đáng lẽ phải đấu thầu. Một khi chỉ định thầu không còn là cá biệt và xen lẫn một số động cơ không lành mạnh, thì đấu thầu theo đúng nghĩa cũng giảm đi tác dụng góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và tạo môi trường cạnh tranh phát triển...
Khắc phục sự "gập ghềnh" về mặt bằng
Chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) đang là trở ngại phổ biến nhất và lớn nhất đối với nhiều dự án, trước hết là đối với dự án giao thông. Theo Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Ðường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn, hầu hết các dự án thành phần của giai đoạn 2 đều chậm GPMB so với dự kiến khoảng từ một đến hai năm. Việc chậm trễ này khiến kinh phí GPMB đội lên hai đến ba lần, thậm chí có dự án lên đến năm lần. Còn ông S.Ta-ka-ha-si, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty đường cao tốc miền trung Nhật Bản tại Việt Nam thì cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định đầu tư vào giao thông, ngại nhất là chuyện GPMB. Nhà đầu tư rất mong muốn chính quyền lo toàn bộ phần GPMB thì mới yên tâm bỏ tiền thiết kế, xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường...
Rất nhiều ý kiến cho rằng, bất cập chủ yếu trong công tác GPMB hiện nay là do chưa giải quyết thỏa đáng mối tương quan giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Nói một cách khác, quyền của Nhà nước (đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai) còn bị hạn chế khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế. Theo chúng tôi, điều này đúng nhưng hoàn toàn chưa đủ.
Ðối với người dân, nhất là những người thuộc diện tái định cư, di chuyển chỗ ở hoặc phải thay đổi nghề nghiệp, môi trường làm ăn kiếm sống là việc hết sức đại sự, công tác GPMB đã đáp ứng như thế nào? Trở ngại trong GPMB nằm ở gần như tất cả các công đoạn, từ các quy định cụ thể, tổ chức bộ máy và cán bộ đến công tác quản lý đất đai, tuyên truyền pháp luật và giải quyết khiếu kiện của dân liên quan việc đền bù, tái định cư, thu hồi đất. Thí dụ: Về tính mức đền bù, chưa nói đến các dự án khác nhau ở các địa phương khác nhau, nhiều khi trong cùng một dự án các đối tượng có đất liền kề nhưng mức đền bù chênh nhau do quy định về giá đất dựa vào căn cứ địa giới hành chính và tính chất đô thị - nông thôn, quận-huyện, phường-xã. Các khu tái định cư chưa được xây dựng trước một bước, thường triển khai đồng thời với quá trình GPMB, phải hoàn thành đủ các thủ tục xây dựng nên chậm trễ. Có nơi, tiền đền bù đất nơi ở cũ không đủ để mua nền trong khu tái định cư, dân nhận tiền đền bù rồi vẫn chưa đi nổi...
Về bộ máy và cán bộ, báo cáo sơ kết quý I-2009 của TP Hà Nội về công tác GPMB đánh giá: "Bộ máy chuyên trách tại các quận, huyện chưa đủ tư cách pháp nhân dẫn đến cán bộ không chuyên sâu, chưa yên tâm công tác". Ở nhiều địa phương khác, cán bộ ở các ban GPMB được điều động tạm thời từ các phòng, ban của huyện. Một Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc điều động không dễ dàng vì đây là công việc phức tạp, đụng chạm với dân, một số cán bộ quen làm việc hành chính khó thích nghi. Không chỉ cơ chế, chính sách đền bù, tái định cư thiếu đồng bộ, mà mô hình tổ chức GPMB cũng không thống nhất. Rõ nhất là đối với các dự án giao thông, Thủ tướng đã chỉ đạo tách GPMB thành tiểu dự án độc lập do địa phương làm chủ đầu tư, song có nơi giao cho huyện, nơi khác lại giao cho Sở Giao thông vận tải hoặc tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện. Theo chúng tôi, tổ chức bộ máy, cán bộ thiếu chuyên nghiệp và chưa thành thạo, chưa nói đến chuyện tiêu cực, chỉ riêng sai sót không thôi cũng đã gây ra không ít thắc mắc trong dân.
Việc thực hiện GPMB trên "nền" quản lý đất đai như thế nào? Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) Hồ Ðình Tùng: Một số cơ sở còn yếu kém, hiện tượng sai lệch khá phổ biến giữa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ mục kê, hồ sơ giao đất, hồ sơ địa chính và hiện trạng đất đai. Dẫn đến việc xác định nguồn gốc đất, mục đích và thời điểm sử dụng đất gặp khó khăn. Nhiều xã, trong một thời gian dài tình trạng tài liệu về quản lý đất đai thiếu chặt chẽ, thậm chí thất lạc, nên khi GPMB mất nhiều công sức đo đạc, xác minh, giải thích...
Ðiều đáng nói hơn là những yếu kém, thiếu sót về quản lý đất đai và GPMB rất chậm được khắc phục, trong khi tâm lý của người dân đang hết sức lo lắng về việc mất đất sản xuất, thiếu việc làm và không ổn định cuộc sống nếu bị thu hồi đất, đã làm tăng thêm khó khăn, phức tạp cho công tác này.
Tăng tính đồng bộ đi đôi với phân cấp
Hầu như trong các cuộc hội nghị, hội thảo và thực tế công trường, vấn đề cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng thiếu nhất quán, chồng chéo, khó thực hiện đã được đề cập nhiều lần, là một nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án và giải ngân. Sự thiếu chặt chẽ, thiếu nhất quán, chưa rõ ràng và tình trạng thay đổi liên tục thể chế đầu tư xây dựng đã gây nên cách hiểu, cách vận dụng khác nhau. Ðây cũng là chủ đề tranh luận kéo dài trong quá trình thực hiện dự án cũng như quá trình hậu kiểm (thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...). Từ đó tạo nên tâm lý "phòng thủ" khi xử lý các vấn đề thường xuyên phát sinh trong quá trình xây dựng và có một số việc "không xác định rõ thời hạn giải quyết" do phải chờ nhiều cấp, nhiều ngành xem xét và trình lên cấp quản lý hành chính cao nhất phê chuẩn mới yên tâm.
Một cán bộ thường xuyên cọ xát với vấn đề này đã nói: Sợ nhất là khi trong văn bản có cụm từ "áp dụng theo quy định hiện hành", bởi vì cùng một nội dung nhưng các văn bản khác nhau quy định không giống nhau. Thí dụ: Nghị định 99/2007/NÐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các thông tư hướng dẫn quy định thẩm quyền của chủ đầu tư rất lớn như quyết định và chịu trách nhiệm về định mức, đơn giá. Nhưng đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước và ngân sách Nhà nước còn chịu tác động của nhiều luật khác. Trong đó, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng... vẫn xác định việc áp dụng định mức, đơn giá phải theo quy định của Nhà nước. Còn không ít những quy định cụ thể chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật hoặc thống nhất nhưng không dễ thực hiện đang gây cản trở đến chủ trương kích cầu đầu tư hiện nay, muốn vượt qua phải "xin ý kiến" và đương nhiên chỉ một số rất ít cơ quan tham mưu mới có quyền "cho ý kiến".
Nhà nước đang tích cực khắc phục những trở ngại này, tuy nhiên để đạt được yêu cầu nhất quán, dễ thực hiện còn là một quá trình, do tính chất phức tạp, liên quan quá nhiều lĩnh vực của hoạt động đầu tư xây dựng và yêu cầu khắt khe của đầu tư công. Theo chúng tôi, nên tăng cường phân cấp bằng việc quy định trách nhiệm và thẩm quyền cao hơn, trước hết là cho cấp quyết định đầu tư (các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Tuy nhiên, bước đầu nên phân cấp giải quyết các vấn đề thường diễn ra và nảy sinh trong quá trình triển khai dự án, để bảo đảm tiến độ và chất lượng thực hiện dự án theo yêu cầu kế hoạch. Nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có thể thí điểm ở một số ngành và địa phương rồi mới mở rộng... Ðây là vấn đề mấu chốt để tháo gỡ khó khăn và rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.
Quang Tuấn và Phan Hùng
source
http://www.nhandan.org.vn/tinbai/?top=38&sub=55&article=147253

Bất cập trong các văn bản về tiền sử dụng đất ở Phú Mỹ Hưng


Đăng ngày 30 tháng 11 năm 2009)

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng vừa được Nhà nước tặng cho danh hiệu “Khu đô thị mới kiểu mẫu” thể hiện tính hiện đại ở các lĩnh vực quy hoạch đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng cứng (đường điện, nước, cây xanh, thoát nước…), hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ (trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí…), xây dựng được một nếp sống văn minh hiện đại (sạch sẽ, an ninh, môi trường sống tốt cho cư dân…).

Riêng Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng cũng được Nhà nước tặng huân chương Lao động hạng nhất và nhiều phần thưởng khác, kể cả ngành thuế cũng được khen như sự đánh giá một đơn vị quản lý kinh tế tốt. Biết được khu đô thị này được xây dựng trên một vùng đất ngập mặn nghèo khổ của vùng Nhà Bè ngay từ khi đất nước ta vừa mới mở cửa thì hẳn nhiều người càng thêm khâm phục sự dũng cảm của nhà đầu tư.

Từ đó, Phú Mỹ Hưng trở thành một thương hiệu và trong 15 năm qua đã có nhiều người nhờ “ăn theo” khu đô thị mới này mà trở thành những “đại gia lừng lẫy” trong giới địa ốc TP.HCM.

Nhiều môi giới nhà, đất tại Phú Mỹ Hưng kêu khó do số vụ môi giới thành công giảm hẳn sau vụ lùm xùm về tiền sử dụng đất - Ảnh: H.TR.


Nhấp đây để tìm kiếm các căn hộ hay nhà ở có sẵn tại Việt Nam
Nhấp đây để đăng bất động sản bán hay cho thuê của bạn tại Việt Nam

Năm 1989, để thực hiện đề án xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp, lãnh đạo TP.HCM cho thành lập Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (dưới đây viết tắt là Công ty Tân Thuận) và sau đó, công ty này hợp tác cùng Tập đoàn CT&D của Đài Loan xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận từ năm 1991.

Kế đó, hai bên cùng thành lập liên doanh thứ hai là Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng (dưới đây viết tắt là Công ty Phú Mỹ Hưng) để xây dựng một đô thị mới mang tên Khu đô thị Nam Sài Gòn (nay gọi là Nam TP.HCM) rộng 2.600ha cùng tuyến đường dài 17,8km (nay gọi là đại lộ Nguyễn Văn Linh), trong đó Công ty Phú Mỹ Hưng xây dựng năm cụm đô thị với tổng diện tích 600ha (cụm A lớn nhất, chiếm khoảng 300ha, nay chính là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng) và đường Nguyễn Văn Linh.

Cả hai liên doanh trên, phía Việt Nam góp vốn bằng đất trống - tức quyền sử dụng đất trong 50 năm - và được nhận 30% cổ phần trong liên doanh, phía nước ngoài đầu tư tiền vốn xây dựng, kiến thức kinh nghiệm và ứng trước một khoản tiền để phía Việt Nam làm công tác đền bù, giải tỏa đất.

Theo giấy phép đầu tư số 602/GP, ngày 19-3-1993, Nhà nước cho phép Công ty Phú Mỹ Hưng kinh doanh cơ sở hạ tầng công trình dân dụng… trên vùng đất đưa vào liên doanh với những chính sách ưu đãi cho những nhà đầu tư sớm hưởng ứng chính sách thu hút đầu tư của nước ta. Nhờ đó mà những khó khăn từ sự thiếu một hệ thống luật pháp cho một nền kinh tế mở cửa đã được lãnh đạo thành phố cũng như các bộ ngành lúc bấy giờ tháo gỡ để đề án được thực hiện và đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Nhưng sự ra đời và phát triển của đề án này cũng gây nhiều tranh cãi nhất, cơ bản là do sự thiếu đồng bộ của luật pháp (luật lệ của nước ta hình thành theo cách vừa chạy vừa sắp hàng, nhưng cũng thường “sắp lộn hàng” nên có nhiều bất cập). Đây chính là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự tranh cãi triền miên về hoạt động của Công ty Phú Mỹ Hưng. Trong mười mấy năm qua, những tranh chấp làm ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng khu đô thị này có thể kể ra như sau:

Tranh cãi về đơn vị đứng ra đền bù giải tỏa: Công ty Tân Thuận hay Công ty Phú Mỹ Hưng. Theo hợp đồng liên doanh, đó là Công ty Tân Thuận, nhưng lại không được cấp quản lý cao hơn chấp nhận (viện lẽ trong giấy phép đầu tư ghi là phía Việt Nam góp vốn bằng đất, không ghi rõ là đất trống, mặt dù các văn bản của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư với nước ngoài trước đó đều trình cho Thủ tướng là phía Việt Nam góp vốn bằng đất trống).

Việc tranh chấp này kéo dài mấy năm, làm cho công tác đền bù giải tỏa bị chậm lại. Mãi đến tháng 6-2000, thường trực Thành ủy và Ủy ban Nhân dân TP.HCM có thông báo chính thức khẳng định là phía Việt Nam trong liên doanh chịu trách nhiệm đền bù thì tranh cãi mới chấm dứt. Nhưng hậu quả là giá đất vùng này đã bị tăng lên nhiều lần so với quyết định ban đầu, làm cho tiền đền bù không còn đủ để giải quyết nữa, từ đó việc giải tỏa bị bế tắc cho đến ngày nay. Trên thực tế, việc góp vốn của phía Việt Nam trong liên doanh chỉ được một nửa (khoảng 300ha thay vì 600ha).

Tranh cãi về quy hoạch chi tiết công viên: công viên nên xây dựng tập trung như Công viên Tao Đàn hay phân tán nhỏ ra? Phần công viên ở rải rác thuộc về vùng đất 600ha của liên doanh hay thuộc vùng đất 150ha mà Công ty Phú Mỹ Hưng xây dựng hạ tầng giao lại cho thành phố (tổng diện tích này khoảng 6ha) và một số chức năng địa dụng khác trong quy hoạch chi tiết chưa có sự thống nhất giữa Viện Quy hoạch TP.HCM và Công ty Phú Mỹ Hưng.

Cuộc tranh cãi này cũng kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng đến việc thông qua quy hoạch chi tiết của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và đây cũng là một trong lý do làm chậm trễ việc cấp sổ đỏ cho dân sau này.

Vấn đề chức năng xây dựng và kinh doanh nhà của Công ty Phú Mỹ Hưng (giấy phép ghi rõ là xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các điểm dọc tuyến đường), bao gồm:

- Xây dựng cơ sở hạ tầng tiện nghi tiện ích công cộng; tự đầu tư hoặc hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng các cơ sở thương mại, dịch vụ, công nghiệp và công trình dân dụng… thế nhưng có quan chức lý giải chức năng trên không ghi là cho xây nhà bán để lại cho dân, chỉ được xây nhà cho thuê!

Mãi sau này mới có văn bản khẳng định được phép xây nhà để bán cho dân và thêm một loại văn bản hướng dẫn cho phép kinh doanh khác (số 89/UB-QLĐT ngày 6-3-2000 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM; số 134/CP. QHQT, ngày 1-2-2002 của Chính phủ; số 112/2002/QĐ-UB ký ngày 8-10-2002… và gần đây là số 4575/QĐ-UBND ký ngày 3-10-2009 về việc thu hồi và giao đất cho người mua nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở của Công ty Phú Mỹ Hưng).

Rắc rối thuế lợi tức doanh nghiệp: thuế suất là 10% hay 25%?


Gần đây, việc tăng gấp đôi mức nộp tiền sử dụng đất so với năm trước ở Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng làm cho người mua nhà sửng sốt và kêu trời vì theo hợp đồng mua bán nhà ký với Công ty Phú Mỹ Hưng thì người mua phải nộp. Người dân đòi Công ty Phú Mỹ Hưng chịu, nhưng về mặt pháp lý cũng như căn cứ theo hợp đồng dân sự mua bán nhà đã ký giữa hai bên thì Công ty Phú Mỹ Hưng đều không phải nộp!

Về mặt pháp lý, đây là một công ty liên doanh, trong đó phía Việt Nam góp vốn bằng đất (có quyền sử dụng đất trong 50 năm theo như quyết định số 865/TTg, ngày 16-11-1996 do Thủ tướng Chính phủ ký) để có được 30% cổ phần trong liên doanh.

Về mặt nghĩa vụ với TP.HCM, Công ty Phú Mỹ Hưng đã xây dựng tuyến đường Nguyễn văn Linh cùng hạ tầng cơ sở 150ha ở khu vực trên và đã giao lại cho thành phố (trị giá 28 triệu USD). Giấy phép đầu tư và quyết định số 865/Ttg là cơ sở pháp lý cao nhất cho sự hình thành và hoạt động của Công ty Phú Mỹ Hưng và chính trên cơ sở này mà Công ty Phú Mỹ Hưng từ chối nộp tiền sử dụng đất.

Lãnh đạo Công ty Phú Mỹ Hưng cho biết sở dĩ họ chấp nhận những điều khoản của văn bản số 89 và số 112 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc nộp tiền sử dụng đất vì liên doanh có quyền sử dụng đất chỉ 50 năm. Khi người dân mua nhà và xin cấp quyền sử dụng đất kèm theo nhà lâu dài (vượt quá 50 năm) thì Nhà nước có thể đòi tiền sử dụng đất thêm và người dân phải đóng tiền cho Nhà nước.

Những năm đầu, số tiền này rất nhỏ, người dân không thắc mắc gì. Nhưng những năm sau, mức đóng góp tăng dần và hiện nay thì quá cao, nhất là trong hai năm 2008 và 2009, tới mức người dân không chịu nổi nên mới phải kêu ca và họ quay sang đòi hỏi nhà đầu tư phải đóng. Do đó Nhà nước nên xem lại mức đóng tiền sử dụng đất có hợp lý không, tại sao vùng đất Phú Mỹ Hưng lại cao hơn mọi nơi khác trong quận 7. Hơn nữa, khoản thu này là thu trước, mà đúng ra người dân chỉ phải nộp sau khi liên doanh đã hết quyền sử dụng đất.

Trong hơn nửa tháng qua, các luận điểm của báo chí rất khác nhau, có thể là do thông tin thiếu đầy đủ, hơn nữa, các văn bản pháp lý liên quan đến Khu đô thị và Công ty Phú Mỹ Hưng có rất nhiều điều bất cập. Hiện nay, phản ứng của người dân phần lớn là trên cơ sở quyền lợi riêng của mình (người dân không có đủ điều kiện để hiểu hết những bất cập của luật lệ).

Nếu sự đóng góp vừa phải (mua trâu phải mua cả dây buộc trâu) thì cũng có thể chấp nhận được mà không cần phải truy xét xem có hợp luật lệ hay không. Chỉ đến khi mức đóng góp quá mức (tiền mua dây gần bằng tiền mua trâu, nếu không mua dây sẽ không được dắt trâu đi) thì vấn đề mới nổi cộm như hiện nay. Tình trạng tranh cãi hiện nay giữa khách hàng mua nhà và Công ty Phú Mỹ Hưng giống như hai người ngồi trong nhà bị dột mà cứ cãi nhau ai là người có lỗi vì không chuẩn bị dù để che mưa vậy.

Hiện nay Nhà nước đang kêu gọi cải cách thủ tục hành chính để giảm sự phiền hà cho người dân cũng như cho hoạt động của doanh nghiệp. Do đó việc tranh chấp về đóng tiền sử dụng đất tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một điển hình cụ thể về những bất cập trong luật lệ cũng như trong thủ tục hành chính ở nước ta.

Mong rằng Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan nên tham gia giải quyết một cách triệt để, đúng luật. Không nên tái diễn cách xử lý theo kiểu chữa cháy bằng những thông tư chỉ đạo từng vụ từng việc trên tinh thần “vừa chạy vừa sắp hàng và lại sắp lộn hàng” nữa.

Theo PHAN CHÁNH DƯỠNG - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
source
http://www.metvuong.com/thongtin/9301_Bat-cap-trong-cac-van-ban-ve-tien-su-dung-dat-o-Phu-My-Hung.html

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản


Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

“Liều thuốc” cho công tác đầu tư xây dựng



03:58' PM - Thứ năm, 30/07/2009

Ngày mai 1/8/2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư XDCB sẽ chính thức có hiệu lực. Đây được coi là một việc đột phá cả trong xây dựng văn bản luật và cũng là “liều thuốc” hết sức hiệu nghiệm để tháo gỡ hàng loạt khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục,… trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Lần đầu tiên một Luật sửa đổi nhiều Luật được Quốc hội ban hành cho thấy lĩnh vực đầu tư XDCB được đặc biệt quan tâm. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư XDCB số 38/2009/QH12 bao gồm 7 điều, trong đó có 5 điều sửa đổi, bổ sung các Luật: Xây dựng, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Đất đai, Nhà ở. Những nội dung thay đổi hầu hết đều liên quan trực tiếp đến quản lý đầu tư xây dựng.

Với những vấn đề liên quan đến Luật Xây dựng, một số điểm về năng lực hành nghề xây dựng, quản lý chi phí đầu tư, các bước thiết kế xây dựng công trình, thi tuyển thiết kế kiến trúc, thẩm định phê duyệt công trình,… đều được sửa đổi, bổ sung với nội dung bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế thị trường trong việc quyết định điều chỉnh dự án và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư ở các khâu thẩm định, phê duyệt phù hợp với các Luật liên quan.

Về Luật Đấu thầu, đây là một trong những trọng tâm sửa đổi của Luật này. Nội dung sửa đổi gồm 5 nhóm vấn đề cơ bản: Sửa đổi quy định về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu; vấn đề chỉ định thầu; phân cấp trong đấu thầu; chế tài xử lý các hành vi vi phạm; một số vấn đề về quy định sơ tuyển, tiếp nhận hồ sơ dự thầu.

Những sửa đổi ở các lĩnh vực trên để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác đấu thầu đã tồn tại trong nhiều năm qua. Chẳng hạn như bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 (tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi không được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế cho dự án). Những sửa đổi trên cũng tạo sự chủ động, linh hoạt cho người quyết định đầu tư trong việc sơ tuyển nhà thầu, quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung này còn tăng cường phân cấp trong đấu thầu cho chủ đầu tư đi đôi với việc tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử phạt của người quyết định đầu tư. Chẳng hạn, người quyết định đầu tư được quyền hủy, đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu khi có căn cứ cho thấy có hành vi sai trái trong quá trình lựa chọn nhà thầu làm thiệt hại lợi ích của nhà nước. Những việc này có thể rút ngắn thời gian trong đấu thầu và gắn trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư đối với chất lượng và tiến độ của dịch vụ tư vấn, hàng hóa và công trình.

Ngoài ra, trong những vấn đề sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Đấu thầu còn tăng cường nhiều chế tài xử phạt vi phạm pháp luật đấu thầu (bao gồm cả các hành vi không bán hồ sơ mời thầu, sử dụng lao động trái phép đối với gói thầu, nhà thầu không đảm bảo chất lượng và tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng,...). Việc xử lý các vướng mắc về thủ tục đấu thầu cho phù hợp với thực tế cũng được đề cập nhiều, đặc biệt về chỉ định thầu, nguyên tắc xây dựng hợp đồng, thanh toán cho nhà thầu, điều chỉnh hợp đồng, xử lý tình huống trong đấu thầu,…

3 Điều còn lại của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư XDCB dành để sửa đổi, bổ sung các vấn đề của Luật Doanh nghiệp, Nhà ở và Đất đai. Đây cũng là những điểm “nóng” và tồn tại nhiều vướng mắc, cản trở và làm chậm tiến độ công tác đầu tư cũng như tiến độ các dự án trong thời gian vừa qua.

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng và hoàn thành các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành để triển khai và đưa Luật sửa đổi các Luật liên quan đến đầu tư XDCB đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả, đảm bảo mục tiêu và ý nghĩa của văn bản pháp luật.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng nhanh chóng phối hợp hoàn thành dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành dự thảo Nghị định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Thời điểm hoàn thành các công việc trên được ấn định trước thời điểm ngày 10/8/2009. Ngoài ra, Bộ Tư pháp phải đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự thảo, đồng thời gấp rút xin ý kiến các thành viên Chính phủ.

Đức Thắng

source
http://www.giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/kinh-te-xa-hoi/Luat_sua_doi_bo_sung_mot_so_dieu_cua_cac_luat_lien_quan_den_dau_tu_xay_dung_co_ban-Lieu_thuoc_cho_cong_tac_dau_tu_xay_dung/

Tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập trong giám định tư pháp



CAND Portal - 2 ngày trước 11 lượt xem
Tim giai phap thao go nhung bat cap trong giam dinh tu phap Quan sát các vụ án kinh tế, chức vụ phải trưng cầu giám định, nhất là lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi…, chúng tôi nhận thấy còn một số tồn tại chủ yếu. Với những tồn tại đó, đã đến lúc cần phải xem xét lại toàn bộ hoạt động giám định tư pháp, cả về luật pháp lẫn thực tiễn.

Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định 4 nguyên tắc bắt buộc trong giám định tư pháp, gồm: tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn; trung thực, chính xác, khách quan; chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án trong phạm vi được yêu cầu; chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định.

Người giám định tư pháp gồm giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc. Trong hai trường hợp này thì chỉ giám định viên tư pháp được quy định chặt chẽ (như phải có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn theo ngành học từ 5 năm trở lên), còn giám định theo vụ việc quy định đơn giản hơn.

Điều 13 của Pháp lệnh đưa ra quy định khá ngặt về "nghĩa vụ của người giám định tư pháp" với 10 điểm. Trong đó đáng chú ý như, người giám định tư pháp phải thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu, đúng thời hạn, trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan trưng cầu giám định, người trưng cầu giám định biết. Họ cũng phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và giải thích kết luận giám định khi có yêu cầu, nếu đưa ra kết luận sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường…

Xem ra, các nghĩa vụ trên về mặt pháp lý là chặt. Nhưng thực tế áp dụng, chỉ có tổ chức giám định tư pháp được thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự là chấp hành nghiêm. Các tổ chức này có tư cách pháp nhân, đặc biệt là hệ thống tổ chức, bộ máy điều hành, hoạt động khoa học như Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an địa phương, Viện Kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng.

Còn lại, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc giám định (thuộc các bộ, ngành, sở) dù cũng có chức năng tham gia giám định lĩnh vực chuyên môn nhưng do đây là các tổ chức chỉ mang tính hành chính, lại không bị ràng buộc bởi các hoạt động trong tố tụng hình sự nên thực sự khó áp dụng các quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp đối với họ.

Nói như một số ý kiến thì mời được tổ chức này tham gia giám định đã là tốt, nói gì việc ép buộc họ làm đúng tiến độ, đúng yêu cầu. Cho nên, dù quy định của Pháp lệnh là phải đảm bảo đúng thời hạn, đúng yêu cầu, giám định sai gây thiệt hại phải bồi thường nhưng quá khó để yêu cầu xử lý họ.

CQĐT họp bàn giám định một vụ án phức tạp.

Có lẽ nhiều Bộ, ngành hiểu thực trạng đó, gần đây "thương" cơ quan tố tụng bằng cách siết chặt lại quy định giám định trong ngành, lĩnh vực mình. Như Bộ Xây dựng cuối năm 2009 ban hành Thông tư hướng dẫn giám định tư pháp xây dựng. Thông tư này quy định về tổ chức chuyên môn giám định tư pháp xây dựng, trình tự, thủ tục thực hiện giám định tư pháp xây dựng và chi phí.

Theo đó, giám định tư pháp xây dựng là việc giám định liên quan đến hoạt động xây dựng, công trình xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, sản phẩm xây dựng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ giải quyết các vụ án hình sự và vụ việc dân sự. Các lĩnh vực giám định tư pháp xây dựng bao gồm: giám định tư pháp về hoạt động xây dựng, về công trình xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, về sản phẩm xây dựng.

Thông tư yêu cầu "tổ chức giám định phải hoàn trả chi phí giám định, bồi thường thiệt hại trong trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức liên quan". Xem ra, quy định này thể hiện rõ chế tài với giám định viên, tổ chức giám định nếu cố ý làm sai, nhưng thực ra cũng là việc nhắc lại những gì đã nêu trong Pháp lệnh Giám định tư pháp.

Cùng với lĩnh vực xây dựng thì giao thông công chính cũng là mảng nóng, sự nóng của vụ việc trong khi khâu giám định không bám kịp khiến nhiều vụ án bế tắc. Cũng như xây dựng, luật pháp không quy định thành lập tổ giám định tư pháp trong ngành Giao thông công chính mà chỉ thực hiện trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức chuyên môn có điều kiện, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc thực hiện giám định.

Giám định viên tư pháp giao thông công chính là người có đủ tiêu chuẩn quy định được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp. Bộ Tư pháp cấp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo đề nghị của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng với sự phát triển của lĩnh vực giao thông công chính, các tranh chấp cũng như các vi phạm trong lĩnh vực này như tai nạn giao thông, xây dựng cầu đường ngày càng nhiều, phát sinh nhu cầu về giám định của hoạt động tố tụng, bao gồm cả tố tụng hình sự và dân sự. Trong khi đó, đặc thù của hoạt động giao thông công chính là đa lĩnh vực, nhiều đối tượng, tổ chức tham gia, sử dụng nhiều trang thiết bị phương tiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động trải rộng, thời gian dài. Vì vậy, công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông công chính cũng trở nên đa dạng và phức tạp.

Nhiều vi phạm luật pháp trong lĩnh vực xây dựng giao thông, vận tải, phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông gây ra lãng phí thất thoát, hoặc ảnh hưởng đến thân thể, tính mạng của con người nhưng chưa được xử lý kịp thời. Những vụ án liên quan công trình giao thông, dẫu người dân thấy sự ăn bớt bằng mắt thường khi thấy nền đường bị làm dối, hay cọc tiêu lõi bằng tre, nhưng khâu giám định lại không dễ.

Sự kéo dài thời gian khiến bên đầu tư, thi công viện rằng do thời gian lâu nên công trình xuống cấp, hoặc cũng vì những lý do nội bộ mà bị chìm xuồng, không thực hiện hoặc không thể thực hiện giám định tư pháp. Điều đó đã làm cho chế tài thực thi luật pháp chỉ có ý nghĩa trên giấy, không nghiêm túc trên thực tiễn.

Một nghiên cứu cho thấy, những công trình giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng người dân, của xã hội. Khi hạ tầng giao thông như đường sá, cầu cống kém chất lượng, xuống cấp thì làm cho lưu thông bị ngừng trệ, lãng phí về thời gian, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế. Chủ đầu tư là người duy nhất khẳng định về chất lượng công trình, tư vấn giám sát công trình là người giúp chủ đầu tư thực hiện quản lý chất lượng công trình. Nhưng chất lượng công trình phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, đạo đức của người cán bộ giám sát cũng như trình độ quản lý dự án của chủ đầu tư.

Người dân hưởng thụ các sản phẩm của xây dựng công trình giao thông nhưng lại không có được những thông tin, đánh giá mang tính độc lập về chất lượng công trình. Do vậy, khi có sự cố công trình xảy ra, ảnh hưởng đến lợi ích, tính mạng của con người, thường sẽ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm dẫn đến sự cố (vụ sập cầu dẫn đang thi công ở cầu Cần Thơ là một ví dụ).

Cây gỗ sưa này, để giám định phải gửi đến Viện Lâm sản với chi phí không nhỏ.

Quan sát các vụ án kinh tế, chức vụ phải trưng cầu giám định, nhất là lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi…, chúng tôi nhận thấy những tồn tại chủ yếu sau đây:

Một, việc hình thành lực lượng giám định tư pháp còn rất phân tán theo Bộ, ngành và địa phương, số này chủ yếu kiêm nhiệm khi có yêu cầu còn bình thường tham gia việc khác. Khi cơ quan tố tụng cần trưng cầu thì các Bộ, ngành, địa phương nhận được văn bản trưng cầu mới cho tìm giám định viên để thực hiện, quá trình đó kéo dài. Khi thực hiện, giám định viên cũng không tận lực, còn sự sao nhãng. Thêm vào đó là chuyên môn có hạn nên vụ việc bị trả về CQĐT không ít.

Thứ hai, chưa có ràng buộc trách nhiệm pháp lý và chế tài xử lý cụ thể. Khi giám định viên, tổ giám định kéo dài, trễ thời hạn, họ đưa ra các lý do biện minh, trong khi nếu kết luận không chính xác thì cũng khó xử lý bởi quan niệm "vụ việc phức tạp, khó giám định".

Thứ ba, việc trưng cầu chính tổ giám định thuộc các Bộ, ngành, có lý do để nghi ngờ sự khách quan, vô tư. Chẳng hạn, khi CQĐT cần điều tra vụ án rút ruột công trình giao thông, bản trưng cầu giám định được gửi đến chính ngành Giao thông vận tải và ngành này lại sử dụng giám định viên mình quản lý. Chắc chắn, giám định viên dù muốn hay không cũng bị các chi phối bởi quan niệm "ăn cây nào, rào cây ấy", chưa nói đến những tiêu cực khác phát sinh do tính chất nội bộ. Đây là vấn đề cần sớm được điều chỉnh.

Thứ tư, hiện chưa có một cơ chế, hướng dẫn cụ thể cho việc trưng cầu giám định tư pháp ngành, lĩnh vực. Theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp, hoạt động này do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu nhằm phục vụ việc giải quyết các vụ án. Thế nhưng lại không quy định chức năng giám định bổ trợ tư pháp cho cơ quan cụ thể nào trong khi thực tế xét xử của tòa án gặp phải nhiều vụ việc mà giá trị tài sản, mức độ thiệt hại là cơ sở để định tội, đánh giá bản chất… Điều này khiến tòa án gặp nhiều khó khăn trong xét xử. Cũng có một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng chưa đúng những quy định của pháp luật về giám định tư pháp, nhất là việc định giá các tài sản bị xâm hại.

Điểm nữa, mọi kinh phí giám định hiện không có ngân quỹ riêng và phải lấy từ kinh phí điều tra. Những vụ án lớn, kinh phí giám định mà phía cơ quan giám định tư pháp đưa ra, có khi lên tới hàng tỷ đồng. Choáng với khoản kinh phí lớn này, có lý do để hiểu không ít CQĐT ái ngại khi ký trưng cầu giám định.

Với những tồn tại đó, đã đến lúc cần phải xem xét lại toàn bộ hoạt động giám định tư pháp, cả về luật pháp lẫn thực tiễn

source

http://www.baomoi.com/Info/Tim-giai-phap-thao-go-nhung-bat-cap-trong-giam-dinh-tu-phap/58/3983565.epi

Giải quyết vấn đề chồng chéo tại các luật liên quan tới đầu tư xây dựng cơ bản

CIC32 | Construction Investment Corporation http://cic32.com.vn


13.04.2009

Việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo luật sửa đổi một số điều của các luật liên quan tới đầu tư xây dựng cơ bản để giải quyết vấn đề chồng chéo giẫm chân lên nhau giữa các luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng như: Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật đất đai…là một việc rất cần thiết. Đồng thời việc đưa ra ban hành dự thảo luật sửa đổi cũng góp phần làm giảm bớt các thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hiệp – Hiệp hội nhà thầu Việt Nam tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo luật sửa đổi một số điều của các luật liên quan tới đầu tư xây dựng cơ bản vừa được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông đã đưa ra những góp ý cụ thể đối với luật xây dựng như tại Điều 7, điểm 4 cần thêm yếu tố “và không vi phạm những quy định về đạo đức nghề nghiệp được Hiệp Hội Nghề nghiệp xác nhận” .Bên cạnh đó ông cũng có những góp ý đối với điều Điều 40, 1b, Điều 43, điểm 3 và Điều 54 và 59.

Đối với Luật Đầu Tư tại Điều 45, ông cho rằng: “Bỏ giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án trong nước về hình thức là động thái đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Nhưng thực chất việc làm này chúng tôi cho rằng sẽ hình thức và thậm chí làm rối hơn cho doanh nghiệp’’ vì những lý do: Nếu bỏ giấy chứng nhận đầu tư nhưng luật sửa đổi không ghi rõ ai là người chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này vì các dự án đều liên quan đến thủ tục đất đai, vốn liếng nên chắc chắn phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên Môi trường mới xem xét để giao đất hay cho thuê đất. Mặt khác ở nhiều dự án trong khi chưa có sổ đỏ về đất, các ngân hàng có cho vay vốn hay không cũng phải dựa vào giấy chứng nhận đầu tư - Về bản chất, giấy chứng nhận đầu tư là bản cam kết của chính quyền với nhà đầu tư. "Vì vậy, theo ý kiến chúng tôi, kể cả dưới giác độ một nhà đầu tư, chúng tôi cho rằng nên bỏ thủ tục này vì nó chỉ là đơn giản hoá thủ tục một cách hình thức mà sẽ gây ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm làm chậm tốc độ dự án, khó hơn cho nhà đầu tư’’ – ông nói.

Tham gia góp ý tại hội thảo, Gs. TSKH Đặng Hùng Võ đưa ra một thực tế là trong vận hành pháp luật về đất đai, hiện đã xảy ra tình trạng nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và nhà đầu tư trong nước phải áp dụng chế độ Nhà nước giao đất trả tiền sử dụng đất. Trong khi đó, Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước lại tính tiền thuê đất chỉ bằng khoảng 30% tiền sử dụng đất. Như vậy, Nghị định này làm cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ phải trả khoảng 30% tiền sử dụng đất, trong khi đó nhà đầu tư trong nước phải trả 100% tiền sử dụng đất (quyền và nghĩa vụ ngang nhau).

Ông cho rằng: "nếu chúng ta cho phép nhà đầu tư trong nước cũng được hưởng chế độ thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì không có sự phân biệt giữa hình thức này với hình thức giao đất trả tiền sử dụng đất, hơn nữa sẽ nẩy sinh sự bất bình đẵng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài".

Vì vậy, ông đề nghị không sửa điểm a khoản 2 Điều 35 mà để nghị định của Chính phủ điều tiết lại tiền thuê đất trả một lần đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông cũng đưa ra nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 42. Theo ông việc sửa đổi bổ sung này là hợp lý nhằm đưa giá đất tính bồi thường cho người bị thu hồi đất gần hơn với thời hạn thanh toán tiền.

Điều 44 theo ông cũng nên sửa đổi lại toàn bộ nhằm giảm nhanh thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thu hồi đất nhưng kỹ thuật sửa là không chặt chẽ về hành văn luật.

Luật gia Cao Bá Khoát - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự đã đưa ra một số nhân xét: nhìn chung, Dự thảo đã đạt được một số thành tựu nhất định, khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Việc ban hành Luật này sẽ khớp nối những xung đột, khập khiễng giữa các luật về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Ví dụ như việc tách giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ban hành mẫu thống nhất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất …

Dự thảo tách hai giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) và giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) bằng cách bãi bỏ Điều 20 Luật Doanh nghiệp và Điều 50 Luật Đầu tư thì dẫn đến hệ quả như sau: Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam sẽ phải thực hiện ĐKKD để được được cấp GCNĐKKD độc lập với việc cấp GCNĐT cho dự án đầu tư. Như vậy, GCNĐT sẽ được cấp cho nhà đầu tư hay doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập? Vì vậy, dự thảo cần phải nói rõ được cấp cho doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập chứ không phải cấp cho nhà để tránh tình trạng hiểu lầm.

Mặt khác, nếu GCNĐT được cấp cho doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập thì là dự án đó lại là một dự án đầu tư trong nước vì doanh nghiệp được cấp GCNĐT là một doanh nghiệp Việt Nam (Khoản 20 Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: “Quốc tịch của doanh nghiệp là quốc tịch của nước, vùng lãnh thổ nơi doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh”). Vậy, phân biệt nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn ý nghĩa. Mà cần phải xây dựng tư duy không phân biệt đối xử khi chúng ta đã gia nhập WTO vì bất cứ nguồn vốn đầu tư nào kể cả trong và ngoài nước đều tạo ra ba hệ quả: tạo ra sản phẩm, tạo ra thuế và tạo ra việc làm.

Đề cập đến công tác giải phóng mặt bằng, ông Lê Tấn Vinh - Giám đốc Phân viện Kinh tế Xây dựng miền Nam cho rằng, các quy định liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng còn có những nội dung bất cập, không phù hợp và không giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tế, vì vậy công tác GPMB luôn là trở ngại đối với các dự án xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, khi rà soát các văn bản có nội dung liên quan đến công tác GPMB thì cần quy định rõ về thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trong việc quyết định các chính sách khi có thực tế phát sinh trong giải phóng mặt bằng tại địa phương.Ông đề nghị nên cho phép thực hiện hình thức chỉ định thầu đối với các công tác phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ông Phạm Trọng Vân - Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng An Bình cho rằng, đối với người có thẩm quyền thì hình thức lựa chọn nhà thầu phải do luật qui định, người có thẩm quyền thực hiện theo luật vì vậy không nên để người có thẩm quyền tự quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Việc tự quyết định này sẽ dẫn đến tham nhũng và không chọn được nhà thầu có năng lực, không tiết kiệm được ngân sách thông qua đấu thầu.

Đồng thời ông cũng đề nghị, tại khoản 3, 4 Điều 57 Luật Đấu thầu bỏ ý: “Giá hợp đồng sau điều chỉnh không làm tăng tổng mức đầu tư đã duyệt”, vì: Tổng mức đầu tư được lập trước khi đấu thầu một thời gian dài, sau đấu thầu mấy tháng mới kí hợp đồng xây lắp. Vì thế điều chỉnh hợp đồng tăng lên do biến động giá tăng thì đương nhiên là vượt tổng mức đầu tư. Việc duyệt lại tổng mức đầu tư đã làm chậm tiến độ thi công và cũng rất phiền phức cho việc duyệt lại này.

Hồ Hường

source

file:///C:/DOCUME~1/juanlee/LOCALS~1/Temp/News-273.html