Friday 29 April 2011

Bệnh viện “5 không”


Thứ năm, 25 Tháng một 2007, 10:30 GMT+7
  • Cỡ chữ





Đà Nẵng: Bệnh viện “5 không”

Không có hệ thống xử lý nước thải y tế, không có nhà xác, không đủ nhân lực, không giường bệnh như trong thiết kế ban đầu, không có khu điều trị nội trú... đó là thực trạng đang diễn ra tại Bệnh viện Lao - nơi đảm đương trách nhiệm “xóa sổ” bệnh lao cho TP Đà Nẵng và các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Những điều kiện của bệnh viện Lao Đà Nẵng không chỉ gây bức xúc cho bệnh nhân, y bác sỹ của bệnh viện mà cả những người dân sống ở khu vực lân cận, cũng phải “sống trong sợ hãi”.

Sống chung với “5 không”

Dù mới được đưa vào sử dụng hơn 6 tháng nay, nhưng rõ ràng Bệnh viện Lao Đà Nẵng đang đối mặt với không biết bao nhiêu điều bất cập. Dù là một cơ sở điều trị hết sức quan trọng, không chỉ cho bệnh nhân Lao TP Đà Nẵng, mà còn các bệnh nhân của các tỉnh thành khu vực miền Trung- Tây Nguyên, nhưng lượng nhân lực thiếu trầm trọng - chỉ có 2 bác sỹ cho công tác điều trị.

Theo thống kê, mỗi năm tại Đà Nẵng có đến gần 1.000 bệnh nhân lao cần được đưa vào điều trị tích cực, với thời gian điều trị hơn 8 tháng trở lên, nhưng trên thực tế, cả bệnh viện chỉ có 2 bác sỹ “kham” việc điều trị cho tất cả bệnh nhân. Bác sỹ Nguyễn Quốc Huy - một trong hai bác sỹ điều trị của bệnh viện không dấu được mệt mỏi sau những ca trực dày đặc “Theo quy định, bác sỹ phụ trách điều trị lao chỉ làm việc 6 tiếng trong một ngày - vì đây là môi trường làm việc độc hại. Nhưng chúng tôi đã phải làm kiêm, làm thêm với lượng thời gian quá lớn, khiến ai cũng căng như sợi dây, ảnh hưởng đến bệnh nhân không ít vì không thể làm tốt một cách trọn vẹn khi bệnh nhân quá tải!”.

Không chỉ bác sỹ Huy, mà ngay cả bác sỹ Lê Văn Đức - Giám đốc cũng mệt mỏi không kém, vì vừa làm công việc quản lý, vừa làm luôn công tác điều trị “Nhân lực cho bệnh viện lao cực kỳ hiếm, vì khó có bác sỹ nào mới ra trường lại muốn theo chuyên ngành độc hại này!”.

Công tác điều trị đã vậy, phòng ốc lại càng đáng lo hơn, khi đã hơn 2 tháng kể từ khi bão số 6 đi qua Đà Nẵng, nhưng hầu hết mái bệnh viện đều bị tốc, nhưng vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa, nên mưa xuống, là y bác sỹ và bệnh nhân tha hồ đối mặt với ngập úng. Nước mưa lênh láng cả phòng làm việc, phòng bệnh.

Thêm một bất cập nữa, đó là bệnh viện Lao được xây dựng mà không có nhà xác, dù tỷ lệ bệnh nhân của bệnh viện lao tử vong là rất cao. Nhiều bệnh nhân tử vong tại bệnh viện khiến bác sỹ và ban giám đốc bệnh viện đều “tắc tị” vì không biết lấy nơi đâu làm nhà xác cho những trường hợp không có gia đình, hoặc quá nghèo khó không thể chuyển xác về trong ngày. Trước tình hình đó, lãnh đạo bệnh viện đành phải chọn một phòng gần khu giặt ủi để làm nhà xác tạm bợ.

Việc xử lý môi trường của bệnh viện này lại càng đáng lo ngại. Không có hệ thống xử lý nước thải, toàn bộ nước thải y tế chứa đầy vi trùng lao của bệnh viện vô tư thoát ra những khu vực lân cận, thẩm thấu xuống đất hoặc chảy lênh láng ra ngoài. Đến Bệnh viện Lao vào một ngày mưa, chứng kiến cảnh các y bác sỹ, bệnh nhân đều phải bước qua những vũng nước thải nhớp nhúa, hôi hám, nổi bong bóng và chứa đầy mầm bệnh để vào đựơc phòng điều trị. “Bệnh phẩm, nước thải ở đây là rất nguy nghiểm và vô cùng dễ lây lan ra cộng đồng, nên những ngày mưa, chứng kiến nước thải chảy ra khu vực cộng đồng, tập thể cán bộ bệnh viện hết sức khổ tâm”. Khi dắt PV đi thăm các khu điều trị, bác sỹ giám đốc luôn miệng nhắc nhở chúng tôi đeo khẩu trang, ái ngại giải thích “Vì môi trường bệnh viện đang ô nhiễm!”

Chờ khắc phục?

Đáng nói là Bệnh viện Lao chỉ vừa hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng chỉ mới hơn 6 tháng nay. Nhưng những bất cập là quá lớn. Dù trong dự án, khi đưa vào sử dụng, bệnh viện lao sẽ đủ chứa 50 giường bệnh, nhưng trên thực tế, mới đặt chỉ 35 giường thì đã kín chỗ. Vì vậy, trong khi số lượng bệnh nhân không chỉ của Đà Nẵng mà các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên đến điều trị ngày càng đông, nhưng thiếu giường bệnh thiếu nghiêm trọng. “Mỗi bệnh nhân lao có thể lây cho 20 người trong cộng đồng khi tiếp xúc” bác sỹ Đức cho biết, thế nhưng bệnh viện không hề có khu điều trị nội trú. Các bác sỹ phải “khắc phục” bằng việc lấy phòng khám để đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú mặc dù biết rất rõ không đảm bảo về điều kiện cách ly. Nhiều bệnh nhân đáng ra phải điều trị tại chỗ, nhưng do không đủ giường các bác sỹ đành cho điều trị ngoại trú “Việc này là rất nguy hiểm cho cộng đồng, vì để điều trị bệnh lao, chúng tôi muốn có những nơi điều trị với những người nhiễm bệnh để hạn chế lây lan, việc không có khu điều trị nội trú khiến chúng tôi bất khả kháng”.

Thêm một thông tin từ bác sỹ Đức, bệnh viện Lao là một trong ba trung tâm của cả nước đã nuôi cấy được vi trùng lao - đây vừa là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng là điều đáng lo ngại trước những tình hình bất cập đang tồn tại ở bệnh viện Lao. Ngành y tế còn có phương án phát triển bệnh viện từ 50 giường lên 100-150 giường, một phương án không hề khả thi trong khi nguồn nhân lực quá khan hiếm, hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo... Những thực tế trên, ngành y tế đều biết rõ, và đã báo cáo lên UBND thành phố. Nhưng việc khắc phục vẫn phải chờ Sở Tài nguyên môi trường thẩm định, chờ UBND thành phố phân bổ kinh phí...

Trong khi đó, những thiếu thốn của bệnh viện Lao, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, y bác sỹ, mà môi trường sống của cả cộng đồng. Việc ô nhiễm là đã rõ - dù “mất bò”, nhưng việc “làm chuồng” vẫn phải chờ!

Diệu Hiền

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)
source
http://vietbao.vn/Suc-khoe/Da-Nang-Benh-vien-5-khong/45225760/248/