Wednesday 17 March 2010

Bất hợp lý phí tư vấn xây dựng công trình giao thông


Quyết định số 957/QĐ-BXD công bố định mức chi phí Quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình




10:22' AM - Thứ hai, 26/10/2009

Định mức mới của Bộ Xây dựng có nhiều quy định khó hiểu, khó áp dụng, trái với một số quy định hiện hành. Mức phí cho các dịch vụ tư vấn xây dựng công trình giao thông quy định thấp nhất trong các loại hình tư vấn xây dựng công trình là bất hợp lý và thiếu nhiều hạng mục chi phí.

Một số chuyên gia làm dự toán cho rằng ngay phần “Hướng dẫn chung” (1) áp dụng định mức ban hành theo Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng cũng đã làm khó cho các ban quản lý dự án và các tư vấn rồi.

Hướng dẫn áp dụng nói là: trường hợp vận dụng định mức này không phù hợp thì chủ đầu tư xem xét quyết định điều chỉnh định mức hoặc lập dự toán để xác định chi phí (1.1). Hướng dẫn như vậy là luôn luôn bất cập, vì thực tế chẳng có ai dám tự quyết định điều chỉnh định mức cả. Dù có không phù hợp, nhưng để bảo vệ được ý kiến phù hợp của mình thì là “chưa được vạ, má đã sưng” với cơ quan thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra chỉ căn cứ vào định mức, không có chấp nhận cái gì khác định mức bao giờ.

Cũng phần Hướng dẫn chung này, hướng dẫn: với trường hợp dự án có quy mô lớn hơn quy mô công bố tại Quyết định này, thì áp dụng “phương pháp ngoại suy” hoặc lập dự toán để xác định chi phí (1.4). Theo các chuyên gia dự toán thì chỉ có thể “nội suy”. Ví dụ: để tính chi phí thẩm tra dự toán công trình hoặc gói thầu công trình giao thông được duyệt là 6.500 tỉ đồng, thì mức này không có trong bảng định mức số 16 “Định mức chi phí thẩm tra dự toán công trình”.

Tuy vậy, có thể dựa vào 2 định mức gần nhất, cho công trình có giá trị được duyệt là 5.000 tỉ đồng (0,018%) và công trình 8.000 tỉ đồng (0,015%), để suy ra định mức ở trong phạm vi đó. “Nội suy” có thể tính được định mức phí thẩm tra dự toán cho công trình trị giá 6.500 tỉ, sẽ ở trong khoảng từ 0,018% - 0,015%. Còn một khi định mức chỉ có cho công trình lớn nhất đến 8.000 tỉ, mà không có hướng dẫn, thì "đố ai" có thể “ngoại suy” ra công trình 10.000 tỉ có phí thẩm tra là bao nhiêu.

“Hướng dẫn áp dụng định mức chi phí quản lý dự án” (2) cũng gây nhiều thắc mắc. Theo hướng dẫn tại phần 2.1 thì nghĩa là “chi phí quản lý dự án” chỉ là “để tổ chức quản lý việc thực hiện các công việc quản lý dự án” (khâu gián tiếp). Vậy còn việc thực hiện quản lý dự án (khâu trực tiếp) không rõ lấy kinh phí ở đâu? Và mặc dù là gián tiếp, song kinh phí dành cho công việc này lại được quy định (Bảng số 1 - ví dụ: công trình giao thông 100 tỉ đồng có phí 1,375%, 200 tỉ đồng có phí 1,285%... ) lớn gấp 2-3 lần phí cho thiết kế (Bảng số 8 - ví dụ: công trình giao thông 100 tỉ đồng cấp đặc biệt, phí 1,26%, cấp 1 phí 0,81%, cấp 2 phí 0,73%. Công trình giao thông 200 tỉ đồng cấp đặc biệt phí 1,145%, cấp 1 phí 0,73%, cấp 2 phí 0,67%...

Quy định tại (2.9) còn trái với quy định hiện hành. Điều này hướng dẫn: “trường hợp chủ đầu tư đủ năng lực để kiêm nhiệm thực hiện một số công việc tư vấn trong quá trình quản lý dự án thì chi phí...”. Trong khi “Hướng dẫn cấp chứng chỉ cho kĩ sư định giá xây dựng” quy định: cá nhân là công chức đang làm việc cho các cơ quan hành chính nhà nước thì không được cấp chứng chỉ kĩ sư định giá xây dựng (số 1797/SXD-QLKT ngày 27/8/2008 của Sở Xây dựng Hà Nội). Hiện tại phần lớn các dự án lớn tại VN do các cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư. Công chức nhà nước làm tại các cơ quan này như vậy không thể được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn, sao có thể đủ năng lực để kiêm nhiệm làm công việc tư vấn được?

Hướng dẫn áp dụng định mức chi phí thiết kế cũng rất nhiều điểm có nhiều cách hiểu khác nhau và các quy định không phù hợp, chênh phí rất lớn.

Phần (3.3.1), (3.3.2) quy định không thống nhất: “trường hợp dự án gồm nhiều loại công trình thì chi phí thiết kế được xác định riêng theo từng loại công trình và tính theo quy mô chi phí xây dựng trong dự toán của từng công trình được duyệt”. Trên thì là “loại công trình”, dưới lại là “công trình”, không biết xác định theo cái nào. Công trình và loại công trình là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. “Loại công trình” có 5 loại: dân dụng, giao thông, công nghiệp, thủy lợi, hạ tầng. Còn “công trình” thì riêng trong giao thông có đủ các công trình như cầu, đường, chiếu sáng, thoát nước, nhà quản lý thu phí, bãi đỗ...

Cầu Vĩnh Tuy do TEDI tư vấn, thiết kế. ảnh: Anh Tôn

Theo các chuyên gia, 2 cách tính cho 2 mức phí chênh nhau 2-3 lần. Ví dụ: dự án cải tạo 140 cầu trên QL 1A, nếu tính chi phí thiết kế theo công trình thì chỉ 10 tỉ đồng, nếu tính theo loại công trình, phí thiết kế lên đến 28 tỉ.

“Một số lưu ý khi áp dụng định mức chi phí thiết kế công trình giao thông” cũng rất bất cập. Phần (4) quy định định mức chi phí thiết kế một số công trình giao thông được điều chỉnh với các hệ số: Công trình hầm đường ô tô, hầm đường sắt, hầm cho người đi bộ, các nút giao thông khác mức cấp I: K=1,50, cấp II: K= 1,65, cấp III: K=1,86... Với hệ số này, nhân với định mức tại Bảng số 9 cho công trình cấp I, cấp II, thì phí thiết kế bản vẽ thi công của công trình cấp I, cấp II lại còn lớn hơn cho công trình cấp đặc biệt (vốn có mức độ phức tạp hơn rất nhiều).

Ví dụ công trình cầu đường bộ có nhịp dài hơn 200 mét mới được coi là “Cấp đặc biệt”. Cầu này tư vấn lớn, có kinh nghiệm mới làm được. Và ví dụ chi phí xây dựng cầu này là 500 tỉ đồng, thì phí tư vấn thiết kế bản vẽ thi công cho công trình cấp đặc biệt này là 1,66%. Nếu là cầu có nhịp 100-200 mét, thì được xác định là công trình cấp I, định mức 1,38% nhân với hệ số 1,50 sẽ cho phí thiết kế là 2,07 - lớn hơn phí cho công trình đặc biệt khá nhiều.

Một sự bất hợp lý khác có thể nhận thấy ở tất cả các định mức, đó là định mức cho công trình giao thông luôn luôn ở mức thấp nhất trong số 5 loại công trình xây dựng gồm các công trình: dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, hạ tầng kĩ thuật: từ định mức chi phí lập dự án đầu tư (Bảng số 2), định mức chi phí lập báo cáo kinh tế, kĩ thuật (Bảng số 3), định mức chi phí thiết kế kĩ thuật, chi phí thiết kế bản vẽ thi công... Các chuyên gia cho rằng về nguyên tắc không thể nào công trình dân dụng, công trình hạ tầng kĩ thuật lại có mức độ khó, mức độ phức tạp hơn công trình giao thông được. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là, phải chăng Bộ Xây dựng có quá thiên vị khi xây dựng định mức cho ngành mình?

Theo ông Hoàng Anh - Chuyên gia dự toán Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT: Quy định này của Bộ Xây dựng vẫn còn khá nhiều điểm bất cập. Một số hạng mục, mức phí đã được điều chỉnh tăng so với trước song mức tăng rất ít và chưa sát với thực tế hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông. Cách tính phí tư vấn dựa vào định mức và tính trên giá trị hợp đồng xây lắp là chưa khuyến khích được các chuyên gia, kĩ sư tư vấn đầu tư chất xám nghiên cứu giảm giá thành công trình, trong khi đây mới là lao động mang lại lợi ích lớn nhất cho xã hội.

Phương Dung

source
http://www.giaothongvantai.com.vn/

No comments:

Post a Comment