Cty Hương Giang (Bộ Quốc phòng) thi công đường 70 đoạn qua Yên Bái. |
ND- Mấy năm gần đây, thể chế đầu tư xây dựng nói chung và xây dựng cơ bản nói riêng liên tục có sự điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung. Tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, trở ngại làm chậm quá trình triển khai dự án và kìm hãm tiến độ giải ngân, nhất là đối với dự án đầu tư công.
Chúng tôi xin đề cập một số trở ngại đang có ý kiến chưa thống nhất về nguyên nhân chính, thông qua việc tổng hợp ý kiến trao đổi với một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu...
Thiếu minh bạch trong đấu thầu
Dù biết rằng, đấu thầu là phương thức tiến bộ, phù hợp với quá trình hình thành cơ chế thị trường trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và đã áp dụng khá nhiều năm nay, song đến thời điểm này, vẫn có người đặt ra câu hỏi đấu thầu hay chỉ định thầu hiệu quả hơn? Theo chúng tôi nắm được, thể chế về đấu thầu có sự phát triển liên tục, từ Pháp lệnh Ðấu thầu nâng lên thành Luật Ðấu thầu. Ðồng thời, một số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật này đã có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn. Thí dụ: Giữa năm 2008, Nghị định 58 Hướng dẫn thi hành Luật Ðấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng đã thay thế Nghị định 111 (ban hành tháng 9-2006 có cùng nội dung). Hoặc tháng 2-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 299 cho phép chỉ định thầu một số dự án nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, góp phần thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư. Trong đó, nới rộng quyền của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xem xét quyết định việc chỉ định thầu đối với dự án đầu tư dưới 5 tỷ đồng (trước đây quy định là dưới một tỷ đồng)... Ðây cũng là cơ sở để một số chuyên gia pháp lý thuộc lĩnh vực này cho rằng, những trở ngại còn lại chủ yếu thuộc khâu tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, câu hỏi: "Ðấu thầu hay chỉ định thầu hiệu quả hơn?" vẫn có cơ sở thực tế nhất định, nhất là về thiếu điều kiện đồng bộ để chọn được nhà thầu đủ năng lực với giá hợp lý hoặc thấp nhất. Tùy theo quy mô và tính phức tạp của dự án, nhìn chung để tổ chức đấu thầu trọn vẹn, phải mất khoảng dăm bảy tháng, có khi là cả năm. Nhìn chung, kết quả đấu thầu mấy năm gần đây chỉ giảm được khoảng một vài phần trăm so với giá dự toán.
Với mức tiết kiệm khiêm tốn như trên mà tạo được môi trường cạnh tranh phát triển và chọn được nhà thầu đủ năng lực cũng là thỏa đáng. Song chuyện "nhà thầu yếu" đang là vấn đề thời sự và là một trở ngại khá lớn đối với nhiều dự án sử dụng vốn trong nước. Ông Ðỗ Huy Duyệt, cán bộ Ban quản lý dự án giao thông 2 (Thanh Hóa), cho biết: Có nhà thầu hồ sơ dự thầu "đẹp như tranh", nguồn nhân lực đủ cả kỹ sư, thạc sĩ; thiết bị và xe máy thi công không thiếu; nguồn tài chính bảo đảm. Nhưng khi đã trúng thầu và "vào trận" thì bộc lộ nhiều bất cập. Có khi biết là hồ sơ dự thầu chưa phản ánh đúng thực lực doanh nghiệp, nhưng cơ sở pháp lý để gạt người ta ra đâu có dễ, không khéo lại sa lầy vào chuyện "kiện tụng" kéo dài. Phó Giám đốc Sở Xây dựng một tỉnh phía bắc tâm sự: Khi xét thầu, thấy có hiện tượng "quân xanh, quân đỏ" (chia ra để đấu nhưng thực chất là cùng phe) hoặc "phù dâu, phù rể" (tham gia với vai phụ, tạo điều kiện cho vai chính trúng thầu theo ý đồ đã bàn trước), song không thể làm rõ được đành cho qua. Nếu khơi ra, có khi bị quy là "nhiễu sự" làm chậm quá trình triển khai dự án... Ðôi khi, đấu thầu trở thành một cách "hợp thức hóa" sự thiếu minh bạch đối với việc lựa chọn đơn vị trúng thầu.
Thực tế nói trên, cộng với lý do mất quá nhiều thời gian để hoàn thành các bước trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư, không ít địa phương đã đề nghị lên cấp quản lý hành chính cao nhất cho phép chỉ định thầu để bảo đảm tiến độ triển khai dự án. Có nơi quá lạm dụng, xin chỉ định thầu tràn lan, chiếm hơn 50% số gói thầu đáng lẽ phải đấu thầu. Một khi chỉ định thầu không còn là cá biệt và xen lẫn một số động cơ không lành mạnh, thì đấu thầu theo đúng nghĩa cũng giảm đi tác dụng góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và tạo môi trường cạnh tranh phát triển...
Khắc phục sự "gập ghềnh" về mặt bằng
Chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) đang là trở ngại phổ biến nhất và lớn nhất đối với nhiều dự án, trước hết là đối với dự án giao thông. Theo Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Ðường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn, hầu hết các dự án thành phần của giai đoạn 2 đều chậm GPMB so với dự kiến khoảng từ một đến hai năm. Việc chậm trễ này khiến kinh phí GPMB đội lên hai đến ba lần, thậm chí có dự án lên đến năm lần. Còn ông S.Ta-ka-ha-si, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty đường cao tốc miền trung Nhật Bản tại Việt Nam thì cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định đầu tư vào giao thông, ngại nhất là chuyện GPMB. Nhà đầu tư rất mong muốn chính quyền lo toàn bộ phần GPMB thì mới yên tâm bỏ tiền thiết kế, xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường...
Rất nhiều ý kiến cho rằng, bất cập chủ yếu trong công tác GPMB hiện nay là do chưa giải quyết thỏa đáng mối tương quan giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Nói một cách khác, quyền của Nhà nước (đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai) còn bị hạn chế khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế. Theo chúng tôi, điều này đúng nhưng hoàn toàn chưa đủ.
Ðối với người dân, nhất là những người thuộc diện tái định cư, di chuyển chỗ ở hoặc phải thay đổi nghề nghiệp, môi trường làm ăn kiếm sống là việc hết sức đại sự, công tác GPMB đã đáp ứng như thế nào? Trở ngại trong GPMB nằm ở gần như tất cả các công đoạn, từ các quy định cụ thể, tổ chức bộ máy và cán bộ đến công tác quản lý đất đai, tuyên truyền pháp luật và giải quyết khiếu kiện của dân liên quan việc đền bù, tái định cư, thu hồi đất. Thí dụ: Về tính mức đền bù, chưa nói đến các dự án khác nhau ở các địa phương khác nhau, nhiều khi trong cùng một dự án các đối tượng có đất liền kề nhưng mức đền bù chênh nhau do quy định về giá đất dựa vào căn cứ địa giới hành chính và tính chất đô thị - nông thôn, quận-huyện, phường-xã. Các khu tái định cư chưa được xây dựng trước một bước, thường triển khai đồng thời với quá trình GPMB, phải hoàn thành đủ các thủ tục xây dựng nên chậm trễ. Có nơi, tiền đền bù đất nơi ở cũ không đủ để mua nền trong khu tái định cư, dân nhận tiền đền bù rồi vẫn chưa đi nổi...
Về bộ máy và cán bộ, báo cáo sơ kết quý I-2009 của TP Hà Nội về công tác GPMB đánh giá: "Bộ máy chuyên trách tại các quận, huyện chưa đủ tư cách pháp nhân dẫn đến cán bộ không chuyên sâu, chưa yên tâm công tác". Ở nhiều địa phương khác, cán bộ ở các ban GPMB được điều động tạm thời từ các phòng, ban của huyện. Một Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc điều động không dễ dàng vì đây là công việc phức tạp, đụng chạm với dân, một số cán bộ quen làm việc hành chính khó thích nghi. Không chỉ cơ chế, chính sách đền bù, tái định cư thiếu đồng bộ, mà mô hình tổ chức GPMB cũng không thống nhất. Rõ nhất là đối với các dự án giao thông, Thủ tướng đã chỉ đạo tách GPMB thành tiểu dự án độc lập do địa phương làm chủ đầu tư, song có nơi giao cho huyện, nơi khác lại giao cho Sở Giao thông vận tải hoặc tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện. Theo chúng tôi, tổ chức bộ máy, cán bộ thiếu chuyên nghiệp và chưa thành thạo, chưa nói đến chuyện tiêu cực, chỉ riêng sai sót không thôi cũng đã gây ra không ít thắc mắc trong dân.
Việc thực hiện GPMB trên "nền" quản lý đất đai như thế nào? Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) Hồ Ðình Tùng: Một số cơ sở còn yếu kém, hiện tượng sai lệch khá phổ biến giữa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ mục kê, hồ sơ giao đất, hồ sơ địa chính và hiện trạng đất đai. Dẫn đến việc xác định nguồn gốc đất, mục đích và thời điểm sử dụng đất gặp khó khăn. Nhiều xã, trong một thời gian dài tình trạng tài liệu về quản lý đất đai thiếu chặt chẽ, thậm chí thất lạc, nên khi GPMB mất nhiều công sức đo đạc, xác minh, giải thích...
Ðiều đáng nói hơn là những yếu kém, thiếu sót về quản lý đất đai và GPMB rất chậm được khắc phục, trong khi tâm lý của người dân đang hết sức lo lắng về việc mất đất sản xuất, thiếu việc làm và không ổn định cuộc sống nếu bị thu hồi đất, đã làm tăng thêm khó khăn, phức tạp cho công tác này.
Tăng tính đồng bộ đi đôi với phân cấp
Hầu như trong các cuộc hội nghị, hội thảo và thực tế công trường, vấn đề cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng thiếu nhất quán, chồng chéo, khó thực hiện đã được đề cập nhiều lần, là một nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án và giải ngân. Sự thiếu chặt chẽ, thiếu nhất quán, chưa rõ ràng và tình trạng thay đổi liên tục thể chế đầu tư xây dựng đã gây nên cách hiểu, cách vận dụng khác nhau. Ðây cũng là chủ đề tranh luận kéo dài trong quá trình thực hiện dự án cũng như quá trình hậu kiểm (thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...). Từ đó tạo nên tâm lý "phòng thủ" khi xử lý các vấn đề thường xuyên phát sinh trong quá trình xây dựng và có một số việc "không xác định rõ thời hạn giải quyết" do phải chờ nhiều cấp, nhiều ngành xem xét và trình lên cấp quản lý hành chính cao nhất phê chuẩn mới yên tâm.
Một cán bộ thường xuyên cọ xát với vấn đề này đã nói: Sợ nhất là khi trong văn bản có cụm từ "áp dụng theo quy định hiện hành", bởi vì cùng một nội dung nhưng các văn bản khác nhau quy định không giống nhau. Thí dụ: Nghị định 99/2007/NÐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các thông tư hướng dẫn quy định thẩm quyền của chủ đầu tư rất lớn như quyết định và chịu trách nhiệm về định mức, đơn giá. Nhưng đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước và ngân sách Nhà nước còn chịu tác động của nhiều luật khác. Trong đó, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng... vẫn xác định việc áp dụng định mức, đơn giá phải theo quy định của Nhà nước. Còn không ít những quy định cụ thể chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật hoặc thống nhất nhưng không dễ thực hiện đang gây cản trở đến chủ trương kích cầu đầu tư hiện nay, muốn vượt qua phải "xin ý kiến" và đương nhiên chỉ một số rất ít cơ quan tham mưu mới có quyền "cho ý kiến".
Nhà nước đang tích cực khắc phục những trở ngại này, tuy nhiên để đạt được yêu cầu nhất quán, dễ thực hiện còn là một quá trình, do tính chất phức tạp, liên quan quá nhiều lĩnh vực của hoạt động đầu tư xây dựng và yêu cầu khắt khe của đầu tư công. Theo chúng tôi, nên tăng cường phân cấp bằng việc quy định trách nhiệm và thẩm quyền cao hơn, trước hết là cho cấp quyết định đầu tư (các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Tuy nhiên, bước đầu nên phân cấp giải quyết các vấn đề thường diễn ra và nảy sinh trong quá trình triển khai dự án, để bảo đảm tiến độ và chất lượng thực hiện dự án theo yêu cầu kế hoạch. Nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có thể thí điểm ở một số ngành và địa phương rồi mới mở rộng... Ðây là vấn đề mấu chốt để tháo gỡ khó khăn và rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.
Quang Tuấn và Phan Hùng
source
http://www.nhandan.org.vn/tinbai/?top=38&sub=55&article=147253
source
http://www.nhandan.org.vn/tinbai/?top=38&sub=55&article=147253
No comments:
Post a Comment