Wednesday 17 March 2010

Giải quyết vấn đề chồng chéo tại các luật liên quan tới đầu tư xây dựng cơ bản

CIC32 | Construction Investment Corporation http://cic32.com.vn


13.04.2009

Việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo luật sửa đổi một số điều của các luật liên quan tới đầu tư xây dựng cơ bản để giải quyết vấn đề chồng chéo giẫm chân lên nhau giữa các luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng như: Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật đất đai…là một việc rất cần thiết. Đồng thời việc đưa ra ban hành dự thảo luật sửa đổi cũng góp phần làm giảm bớt các thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hiệp – Hiệp hội nhà thầu Việt Nam tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo luật sửa đổi một số điều của các luật liên quan tới đầu tư xây dựng cơ bản vừa được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông đã đưa ra những góp ý cụ thể đối với luật xây dựng như tại Điều 7, điểm 4 cần thêm yếu tố “và không vi phạm những quy định về đạo đức nghề nghiệp được Hiệp Hội Nghề nghiệp xác nhận” .Bên cạnh đó ông cũng có những góp ý đối với điều Điều 40, 1b, Điều 43, điểm 3 và Điều 54 và 59.

Đối với Luật Đầu Tư tại Điều 45, ông cho rằng: “Bỏ giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án trong nước về hình thức là động thái đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Nhưng thực chất việc làm này chúng tôi cho rằng sẽ hình thức và thậm chí làm rối hơn cho doanh nghiệp’’ vì những lý do: Nếu bỏ giấy chứng nhận đầu tư nhưng luật sửa đổi không ghi rõ ai là người chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này vì các dự án đều liên quan đến thủ tục đất đai, vốn liếng nên chắc chắn phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên Môi trường mới xem xét để giao đất hay cho thuê đất. Mặt khác ở nhiều dự án trong khi chưa có sổ đỏ về đất, các ngân hàng có cho vay vốn hay không cũng phải dựa vào giấy chứng nhận đầu tư - Về bản chất, giấy chứng nhận đầu tư là bản cam kết của chính quyền với nhà đầu tư. "Vì vậy, theo ý kiến chúng tôi, kể cả dưới giác độ một nhà đầu tư, chúng tôi cho rằng nên bỏ thủ tục này vì nó chỉ là đơn giản hoá thủ tục một cách hình thức mà sẽ gây ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm làm chậm tốc độ dự án, khó hơn cho nhà đầu tư’’ – ông nói.

Tham gia góp ý tại hội thảo, Gs. TSKH Đặng Hùng Võ đưa ra một thực tế là trong vận hành pháp luật về đất đai, hiện đã xảy ra tình trạng nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và nhà đầu tư trong nước phải áp dụng chế độ Nhà nước giao đất trả tiền sử dụng đất. Trong khi đó, Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước lại tính tiền thuê đất chỉ bằng khoảng 30% tiền sử dụng đất. Như vậy, Nghị định này làm cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ phải trả khoảng 30% tiền sử dụng đất, trong khi đó nhà đầu tư trong nước phải trả 100% tiền sử dụng đất (quyền và nghĩa vụ ngang nhau).

Ông cho rằng: "nếu chúng ta cho phép nhà đầu tư trong nước cũng được hưởng chế độ thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì không có sự phân biệt giữa hình thức này với hình thức giao đất trả tiền sử dụng đất, hơn nữa sẽ nẩy sinh sự bất bình đẵng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài".

Vì vậy, ông đề nghị không sửa điểm a khoản 2 Điều 35 mà để nghị định của Chính phủ điều tiết lại tiền thuê đất trả một lần đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông cũng đưa ra nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 42. Theo ông việc sửa đổi bổ sung này là hợp lý nhằm đưa giá đất tính bồi thường cho người bị thu hồi đất gần hơn với thời hạn thanh toán tiền.

Điều 44 theo ông cũng nên sửa đổi lại toàn bộ nhằm giảm nhanh thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thu hồi đất nhưng kỹ thuật sửa là không chặt chẽ về hành văn luật.

Luật gia Cao Bá Khoát - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự đã đưa ra một số nhân xét: nhìn chung, Dự thảo đã đạt được một số thành tựu nhất định, khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Việc ban hành Luật này sẽ khớp nối những xung đột, khập khiễng giữa các luật về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Ví dụ như việc tách giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ban hành mẫu thống nhất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất …

Dự thảo tách hai giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) và giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) bằng cách bãi bỏ Điều 20 Luật Doanh nghiệp và Điều 50 Luật Đầu tư thì dẫn đến hệ quả như sau: Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam sẽ phải thực hiện ĐKKD để được được cấp GCNĐKKD độc lập với việc cấp GCNĐT cho dự án đầu tư. Như vậy, GCNĐT sẽ được cấp cho nhà đầu tư hay doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập? Vì vậy, dự thảo cần phải nói rõ được cấp cho doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập chứ không phải cấp cho nhà để tránh tình trạng hiểu lầm.

Mặt khác, nếu GCNĐT được cấp cho doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập thì là dự án đó lại là một dự án đầu tư trong nước vì doanh nghiệp được cấp GCNĐT là một doanh nghiệp Việt Nam (Khoản 20 Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: “Quốc tịch của doanh nghiệp là quốc tịch của nước, vùng lãnh thổ nơi doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh”). Vậy, phân biệt nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn ý nghĩa. Mà cần phải xây dựng tư duy không phân biệt đối xử khi chúng ta đã gia nhập WTO vì bất cứ nguồn vốn đầu tư nào kể cả trong và ngoài nước đều tạo ra ba hệ quả: tạo ra sản phẩm, tạo ra thuế và tạo ra việc làm.

Đề cập đến công tác giải phóng mặt bằng, ông Lê Tấn Vinh - Giám đốc Phân viện Kinh tế Xây dựng miền Nam cho rằng, các quy định liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng còn có những nội dung bất cập, không phù hợp và không giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tế, vì vậy công tác GPMB luôn là trở ngại đối với các dự án xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, khi rà soát các văn bản có nội dung liên quan đến công tác GPMB thì cần quy định rõ về thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trong việc quyết định các chính sách khi có thực tế phát sinh trong giải phóng mặt bằng tại địa phương.Ông đề nghị nên cho phép thực hiện hình thức chỉ định thầu đối với các công tác phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ông Phạm Trọng Vân - Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng An Bình cho rằng, đối với người có thẩm quyền thì hình thức lựa chọn nhà thầu phải do luật qui định, người có thẩm quyền thực hiện theo luật vì vậy không nên để người có thẩm quyền tự quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Việc tự quyết định này sẽ dẫn đến tham nhũng và không chọn được nhà thầu có năng lực, không tiết kiệm được ngân sách thông qua đấu thầu.

Đồng thời ông cũng đề nghị, tại khoản 3, 4 Điều 57 Luật Đấu thầu bỏ ý: “Giá hợp đồng sau điều chỉnh không làm tăng tổng mức đầu tư đã duyệt”, vì: Tổng mức đầu tư được lập trước khi đấu thầu một thời gian dài, sau đấu thầu mấy tháng mới kí hợp đồng xây lắp. Vì thế điều chỉnh hợp đồng tăng lên do biến động giá tăng thì đương nhiên là vượt tổng mức đầu tư. Việc duyệt lại tổng mức đầu tư đã làm chậm tiến độ thi công và cũng rất phiền phức cho việc duyệt lại này.

Hồ Hường

source

file:///C:/DOCUME~1/juanlee/LOCALS~1/Temp/News-273.html

No comments:

Post a Comment