Nhiều bệnh viện 'khóc dở mếu dở' vì thiết kế sai
Nhà vệ sinh ở khoa sản Trung tâm Y tế Bình Chánh nằm cạnh phòng sinh. |
Đề án xây dựng Bệnh viện Hùng Vương từng gây xôn xao dư luận khi được thiết kế với “tiêu chuẩn 8 không": không có mạng điện thoại nội bộ, hệ thống truyền thanh, thông gió nhà vệ sinh, cáp truyền hình, mạng vi tính, điều hòa không khí, máy phát điện dự phòng và không thiết kế phòng mổ một chiều.
Để điều chỉnh những phần này, người ta phải mất gần năm trời với bao thủ tục nhiêu khê. Ngoài ra, trong việc thiết kế xây dựng cơ sở này còn vô số vấn đề khác. Chẳng hạn, trong bản vẽ trước đây, cửa phòng mổ chỉ rộng 1,2 mét, rất khó chuyển bệnh nhân ra vào. Khi phát hiện ra là hệ thống phòng mổ không được thiết kế 1 chiều (nhằm bảo đảm vô khuẩn) thì bệnh viện đã gần hoàn thành. Để sửa đổi, người ta đã xây một hành lang phụ để chuyển đồ bẩn; do đó mà phòng mổ từ rộng rãi đã trở thành chật hẹp.
Cũng tại phòng mổ, do không hiểu biết về hoạt động bệnh viện, kiến trúc sư đã thiết kế đường ống nước thải nhà vệ sinh thòng xuống ngay bên trên trần phòng này. Cũng may là đang làm dở thì phát hiện kịp và điều chỉnh. Nếu không, chẳng hiểu chuyện gì sẽ xảy ra khi những đường ống này xì ra ngay lúc bác sĩ đang mổ. Chưa hết, theo thiết kế, trên mái một số phòng còn treo những giàn máy lạnh nặng hàng trăm cân, có nguy cơ dẫn đến sập trần. Sau khi có đề nghị, giàn máy này được đưa vào những nơi dự kiến làm nhà vệ sinh.
Hiện Bệnh viện Hùng Vương mới đã hoạt động được 2 tháng. Nhiều nhân viên ở đây than phiền là khó thở vì “bệnh viện được xây gần như bít bùng với quá nhiều cửa kính, khiến không khí không thể lưu thông. Kiểu thiết kế này chỉ thích hợp khi bệnh viện trang bị máy điều hòa trung tâm cho mọi tầng lầu. Trong thực tế, do thiếu máy điều hòa nên những lầu không có máy trở nên nóng bức và thiếu ôxy.
Còn ở Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, khu cấp cứu không nằm gần cổng chính như ở những cơ sở y tế khác mà nằm cách xa cổng đến gần trăm mét. Còn khoa Đông y, nơi phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi, lại nằm trên tầng 2.
Ở Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, cả khoa sản chỉ có một nhà vệ dùng chung cho cả nhân viên lẫn bệnh nhân, gây mất vệ sinh. Thay vì được đưa vào góc cuối, nó lại nằm ngay giữa dãy nhà, sát phòng sinh, nơi cần được vô trùng tuyệt đối. Tại trung tâm y tế này, các hành lang chỉ có bề ngang chưa đầy 1 mét, gây rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển bệnh nhân. Các nhân viên không thể di chuyển cùng lúc hai băng ca đi ngược chiều; một trong hai băng ca phải nhường đường bằng cách lùi vào một phòng nào đó, chờ băng ca kia đi qua. Việc quay đầu băng ca ở một hành lang quá hẹp như vậy cũng là điều không thể. Ngoài ra, khi xây dựng trung tâm y tế này, đơn vị thiết kế không tính đến chuyện nước sông Bình Điền canh đó có thể tràn vào.
Những nghịch lý trong việc thiết kế các cơ sở khám chữa bệnh đã được bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh tổng kết: “Người ta xây trung tâm y tế mà như... xây nhà ở!”.
Theo kiến trúc sư Trần Đình Quyền thuộc Đại học Columbia (Mỹ), ở nhiều bệnh viện Việt Nam, người bệnh cứ nơm nớp lo mất cắp vì phòng ốc thông thống, ai ra vào cũng được. Ở bệnh viện nước ngoài, chỉ có một lối vào khu điều trị nội trú và nơi này được kiểm soát chặt chẽ bởi một quầy trực của điều dưỡng. Một khuyết điểm phổ biến nữa trong thiết kế bệnh viện Việt Nam là diện tích phụ (hành lang, phòng trực...) quá nhiều khiến cho diện tích công năng (phòng bệnh, phòng mổ...) bị thu hẹp.
Ông Quyền nói: "Trước đây, để học ngành thiết kế bệnh viện ở nước ngoài, tôi phải mất 2 năm học quản lý bệnh viện và đi thực tập tại bệnh viện. Khi ra trường, chúng tôi phải trình đề tài trước một hội đồng gồm nhiều kiến trúc sư và giám đốc bệnh viện. Họ đặt ra nhiều vấn đề hóc búa để chúng tôi giải quyết. Theo tôi, người thiết kế giỏi phải là người giúp cho bệnh viện hoạt động được thuận tiện, dễ dàng. Tuy nhiên, để có được một bệnh viện đạt chuẩn, cần có sự phối hợp ăn ý giữa người thiết kế và giám đốc".
Hiện ở nước ta chưa có trường kiến trúc nào giảng dạy về ngành kiến trúc bệnh viện. Những người thiết kế bệnh viện hiện nay chỉ là “tay ngang”, hoặc chỉ được trang bị được đôi chút kiến thức qua tài liệu tham khảo chứ chưa có học tập bài bản. Vì vậy, trong những năm tới, việc đáp ứng nhu cầu thiết kế sẽ khá khó khăn khi ngành y tế TP HCM được giao hơn 250 ha đất để xây dựng bệnh viện từ nay đến 2020.
(Theo Người Lao Động)
source
http://www.vnexpress.net/GL/Suc-khoe/2004/04/3B9D162D/
No comments:
Post a Comment