An toàn bức xạ: Những nguy hiểm tiềm ẩn | ||
Thiết bị bức xạ (BX) quá cũ, không rõ nguồn gốc, thời gian sản xuất. Nhân viên BX chưa được trang bị đầy đủ các dụng cụ phòng hộ cá nhân như liều kế cá nhân (kiểm tra liều phóng xạ cá nhân), tạp dề cao su chì, găng tay chì. Các phòng chụp X-quang y tế có thiết kế không đạt so với TCVN 6561-1999 về An toàn bức xạ ion hóa tại các cơ sở X-quang y tế... | ||
Máy chụp cắt lớp xoắn ốc tại khoa chẩn đoán. Thiết bị bức xạ (BX) quá cũ, không rõ nguồn gốc, thời gian sản xuất. Nhân viên BX chưa được trang bị đầy đủ các dụng cụ phòng hộ cá nhân như liều kế cá nhân (kiểm tra liều phóng xạ cá nhân), tạp dề cao su chì, găng tay chì. Các phòng chụp X-quang y tế có thiết kế không đạt so với TCVN 6561-1999 về An toàn bức xạ ion hóa tại các cơ sở X-quang y tế... Đó là những ghi nhận từ cuộc điều tra về số lượng và tình hình an toàn bức xạ (ATBX) tại các cơ sở bức xạ (CSBX) trên địa bàn TP do Sở Khoa học Công nghệ TP Cần Thơ thực hiện. Chắc chắn rằng những yếu tố trên kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của những người trực tiếp làm công việc BX, sự an toàn của mọi người và môi trường. Những cảnh báo về ATBX tại các CSBX ATBX cho chính những người vận hành các thiết bị BX, sử dụng chất phóng xạ đang là vấn đề báo động. Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, được thành lập từ năm 1989, là đơn vị y tế duy nhất có sử dụng các chất phóng xạ để chẩn đoán và điều trị bệnh. Theo Thông tư Liên tịch số 2237/1999/TLT/BKHCNMT-BYT về việc Hướng dẫn thực hiện ATBX trong y tế, khoa y học hạt nhân phải có vị trí cách biệt so với các khoa khác để người đi vào khoa khác không phải đi qua khoa này. Tuy nhiên, Khoa Ung Bướu của Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ lại nằm trong khuôn viên và tiếp giáp với các khoa phòng khác của bệnh viện. Khoa chưa được trang bị biển cảnh báo bức xạ tại lối vào khoa mà chỉ mới trang bị biển cảnh báo ở khu vực trước kho chứa thuốc và phòng pha chế thuốc. Kho chứa thuốc và phòng pha chế thuốc được bố trí chung trong một phòng có diện tích khoảng 18m2. Cửa ra vào phòng là cửa gỗ, có khe thông gió; xung quanh tường không được che chắn bằng vật liệu thích hợp như chì hoặc Barít để cản tia phóng xạ. Kết quả đo suất liều BX tại bể rửa phóng xạ của phòng pha chế thuốc và kho chứa thuốc có giá trị rất cao và đã có dấu hiệu nhiễm bẩn phóng xạ tại một số khu vực trong khoa. Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, chỉ là một trong nhiều CSBX chưa đảm bảo về ATBX. Theo điều tra của Sở Khoa học Công nghệ, TP Cần Thơ hiện có khoảng 28 CSBX. Trong đó, có 23 cơ sở X-quang y tế. So với số liệu của năm 2000, đã tăng 7 cơ sở; trong đó tăng 5 cơ sở X-quang y tế. Tại 23 cơ sở X-quang y tế, hiện có 27 phòng chụp X-quang với 31 máy X-quang. Trong số 31 máy chụp X-quang có 3 máy được sản xuất trước năm 1975 và 17 máy không rõ năm sản xuất. Theo Anh Vũ Minh Hải, chuyên viên Phòng Sở hữu Công nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: "Mặc dù hiện nay số lượng máy được xác định là hư hoặc quá cũ ít sử dụng là 3 máy, nhưng thực tế con số này có thể còn cao hơn nhiều do hiện nay chúng ta chưa có điều kiện để tiến hành kiểm tra chất lượng tất cả các máy chụp X-quang đang sử dụng nên chưa phát hiện. Mặt khác, do không xác định được thời gian sản xuất nên rất nhiều máy mặc dù được lắp đặt sử dụng trong thời gian gần đây nhưng có thể đã được sản xuất trước đó rất lâu hoặc đã được sử dụng ở cơ sở khác trước khi đem về sử dụng tại cơ sở hiện tại". Qua quá trình đo đạc suất liều BX tại 23 cơ sở X-quang y tế do Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện, có đến 8 cơ sở X-quang có kết quả đo suất liều BX vượt từ 1,25 lần đến 35 lần so với mức giới hạn cho phép của TCVN 6561-1999 về ATBX ion hóa tại các cơ sở X-quang y tế (TCVN). Nếu căn cứ vào TCVN để đánh giá ATBX của các cơ sở X-quang y tế thì có rất nhiều cơ sở có thiết kế phòng chụp X-quang, phòng rửa phim không đạt yêu cầu về diện tích, thiếu thiết bị che chắn, tín hiệu cảnh báo, trang bị phòng hộ cho nhân viên (liều kế cá nhân, áo chì, găng tay chì)... Có đến gần 75% phòng chụp X-quang có cửa ra vào là cửa gỗ, nhôm ghép kính, thiết kế không đạt TCVN về che chắn. Thậm chí có phòng chụp, cửa ra vào được thiết kế hoàn toàn không có che chắn chì như tại Phòng khám Đa khoa khu vực Kinh B, huyện Vĩnh Thạnh. Kết quả đo suất liều BX tại cửa ra vào của phòng chụp này vượt so với TCVN khoảng 56 lần. Trong khi đó, ở đa số các cơ sở chụp X-quang hiện nay thì khu vực cửa ra vào lại là nơi tập trung rất đông bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân ngồi chờ. Anh Vũ Minh Hải cho biết: "Do những ảnh hưởng của BX ion hóa không thể nhận thấy được bằng mắt thường nên nếu tiếp xúc thường xuyên với môi trường có suất liều BX cao vượt mức cho phép có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe, như: đột biến gien, rối loạn nội tiết, thay đổi tính năng hoocmon giới tính, tuyến giáp, tuyến tụy, ung thư các loại mà không hề hay biết". Khó khăn trong quản lý Vẫn biết rằng nhiều CSBX chưa đạt những qui định về diện tích, thiết bị che chắn, các trang thiết bị phòng hộ... theo qui định. Nhưng để khắc phục thì cần phải có thời gian và đôi lúc khó thực hiện. Chẳng hạn, theo Sở Khoa học Công nghệ, về lâu dài, để đảm bảo về ATBX tại khu vực Khoa Ung Bướu nói riêng và môi trường trong và ngoài Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ nói chung, ngoài việc thiết kế lại các phòng điều trị trong khoa, kho chứa thuốc và phòng pha chế thuốc theo đúng yêu cầu thì bệnh viện cần phải đầu tư một khoản kinh phí khá lớn và cần phải có diện tích. Nhưng đây lại là vấn đề khó khăn của hầu hết các CSBX trên địa bàn thành phố mà đặc biệt là những bệnh viện của nhà nước. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý, kiểm tra, cấp phép sử dụng thiết bị BX và ATBX cho các CSBX trên địa bàn. Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đều mở các lớp tập huấn để triển khai các văn bản qui phạm pháp luật về An toàn và Kiểm soát BX cho các CSBX; tổ chức các đợt kiểm tra và thanh tra tại các cơ sở. Tuy nhiên, để được cấp phép về ATBX, máy móc của các CSBX phải được kiểm định về chất lượng và người phụ trách về ATBX của các cơ sở phải có chứng chỉ về ATBX. Thế nhưng, hiện cả nước chỉ có 3 cơ quan có đủ khả năng làm việc này là Viện Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt, Viện Khoa học Hạt nhân Hà Nội và Viện Trang thiết bị Y tế của Bộ Y tế; và cũng chỉ có Cục Kiểm soát và ATBX Hạt nhân trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ mới có chức năng đào tạo và cấp chứng chỉ về ATBX. Chi phí kiểm định 1 máy X-quang hiện nay cũng ở mức khá cao (khoảng 3 triệu đồng/ máy); chi phí để mở lớp cũng không phải nhỏ đối với những tỉnh thành xa như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vì phải mời giảng viên của Cục, bên cạnh thù lao còn phải chi phí đi lại... Tại Cần Thơ, mới chỉ có 4 máy X-quang của Bệnh viện 121 được kiểm định. Cần Thơ cũng chỉ mới mở được 1 lớp Đào tạo và cấp chứng chỉ về ATBX cho cán bộ phụ trách về ATBX vào tháng 4 vừa qua. Quí III năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ và cấp phép cho các CSBX. Anh Vũ Minh Hải cho biết: "Trước mắt để giải quyết những khó khăn trong công tác kiểm định chất lượng máy X-quang thì theo qui định của Bộ chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ sở phải làm cam kết sẽ tiến hành kiểm định chất lượng máy khi có yêu cầu của Sở. Đối với những CSBX mới đăng ký sau khi TP đã mở lớp đào tạo về ATBX thì chúng tôi sẽ kết hợp với các tỉnh bạn để tổ chức đào tạo về ATBX cho họ". So với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP Cần Thơ là đơn vị có số lượng các CSBX ở mức khá cao (Kiên Giang: 20 cơ sở, Bạc Liêu: 15 cơ sở, Hậu Giang: 8 cơ sở) và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Vấn đề đặt ra hiện nay là ngoài việc cần quản lý chặt chẽ hơn các CSBX để thực hiện nghiêm những qui định về ATBX, tránh gây tác hại cho con người và môi trường. Để làm được điều đó cần phải có những đầu tư nhất định về nhân lực và các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công việc như máy đo suất liều tự động, thiết bị kiểm định chất lượng các thiết bị BX... |
Tuesday 8 June 2010
An toàn bức xạ: Những nguy hiểm tiềm ẩn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment