Tuesday 8 June 2010

Hiểm họa ung thư từ phòng X-quang quá chật


Các chuyên gia về an toàn bức xạ cảnh báo, phòng chụp X-quang quá chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư.

Tiêu chuẩn TCVN 6561:1999 quy định, diện tích phòng đối với một máy X-quang thông thường là 25 m2. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam có rất ít cơ sở đạt tiêu chuẩn này. Chính vì thế, năm 2002, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có công văn hạ mức yêu cầu của diện tích phòng, từ 25 m2 xuống còn 14 m2.

Phòng càng nhỏ, nguy cơ lọt bức xạ càng cao

Theo ông Phạm Minh Đức, cán bộ phụ trách về quản lý an toàn bức xạ, Sở Khoa học - Công nghệ Hải Phòng, việc đưa ra quy định diện tích phòng đối với một cơ sở X-quang là nhằm giảm thiểu liều hấp thụ không cần thiết cho bệnh nhân cần nhận liều chiếu. Trong trường hợp phòng nhỏ hơn so với mức bình thường, liều chiếu cần nhận sẽ tăng lên. Hiện Việt Nam không quy định liều chiếu đối mà chỉ đưa ra liều khuyến cáo cho một phim chụp X-quang quy ước đối với bệnh nhân.

Tuy nhiên, phòng càng nhỏ, nguy cơ liều chiếu trên bệnh nhân càng tăng và liều bức xạ lọt ra ngoài càng cao nếu mức độ che chắn được áp dụng như một phòng có diện tích lớn hơn. Ngoài ra, mức độ liều chiếu trên bệnh nhân và lọt ra ngoài còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như trình độ của kỹ thuật viên vận hành thiết bị, thế hệ và trình độ công nghệ thiết bị của từng nhà sản xuất.

Phòng càng nhỏ, nguy cơ lọt bức xạ ra ngoài càng lớn.

Nhiều đợt thanh tra của các cơ quan quản lý về an toàn bức xạ cho thấy, hầu như các cơ sở X-quang không tính toán thiết kế việc che chắn phòng dựa trên thực tế thiết bị cần mua. “Với một cái phòng có sẵn, các cơ sở có đủ tiền là mua máy về sử dụng chứ rất ít khi tham khảo các quy định về diện tích phòng tối thiểu, biện pháp che chắn tối thiểu, như trát vữa barits, ốp chì lá, cao su chì… với khối lượng bao nhiêu trên 1 m2 là đủ và đảm bảo an toàn bức xạ… Điều này dễ thấy ở hầu hết các cơ sở X-quang trên toàn quốc mặc dù nhân viên bức xạ tại các cơ sở đã được trang bị các kiến thức như vậy”, ông Đức khẳng định.

Người vô tình bị chiếu xạ có thể mắc ung thư

Ông Lê Quang Hiệp, Cục phó Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học - Công nghệ), nói: “Với một thiết bị X-quang, có tới bốn đối tượng cần bảo vệ, đó là bác sĩ, nhân viên vận hành thiết bị (nhân viên bức xạ), người đi lại các khu vực xung quanh và bệnh nhân chụp X-quang. Do vậy, yêu cầu về an toàn đối với cơ sở X-quang, thiết kế phòng ốc phải đảm bảo sao cho liều gây ra cho bác sĩ nhỏ hơn mức giới hạn và với bệnh nhân cũng vậy. Do vậy, nếu cơ sở X-quang không thiết kế che chắn đảm bảo, sẽ có những người bị chiếu xạ tình cờ, gây rất nhiều hiệu ứng xấu”.

Ông Đức cho biết, nếu phòng X-quang đặt trong khu dân cư, nằm giữa hai nhà có người ở hoặc làm việc không thuộc cơ sở X-quang, suất liều bức xạ ở tất cả các điểm đo trong không gian các phòng bao quanh phòng X-quang, kể cả ở sát tường, phải bằng phông bức xạ tự nhiên.

Hiện quy định đối với nhân viên bức xạ, liều hiệu dụng toàn thân trong một năm (được lấy trung bình trong 5 năm liên tục) không vượt quá 20 mSv (milisiver) và liều hiệu dụng toàn thân trong một năm riêng lẻ bất kỳ không được vượt quá 50 mSv. Đối với dân chúng, liều hiệu dụng toàn thân trong một năm không được vượt quá 1 mSv, trường hợp đặc biệt, liều hiệu dụng có thể tăng tới 5 mSv cho một năm riêng lẻ.

Mặc dù vậy, ông Hiệp cho rằng, cần hạn chế tối đa tình trạng vô tình bị chiếu xạ. Việc vô tình bị chiếu xạ thông thường với mức liều cao có thể dẫn đến các tổn thương phóng xạ, gây các hiệu ứng muộn với hai trạng thái: tăng xác suất ung thư cho người bị chiếu, tăng hiệu ứng di truyền. Với lĩnh vực X-quang, một thiết bị chiếu xạ trực tiếp lên con người, nếu không kiểm soát chặt chẽ, việc bị chiếu vô tình sẽ làm tăng tỷ lệ ung thư của xã hội.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), hiện các chỉ tiêu an toàn bức xạ của phòng chiếu chụp X-quang như diện tích phòng máy, tường phải trát vữa barit (loại vữa có khả năng cản tia X), cửa chắn chì, buồng điều khiển, kính chì ô quan sát, chất lượng máy cũng như phương tiện phòng hộ cá nhân đều.. giảm dần từ tuyến trung ương đến tuyến quận, huyện. Khoảng 75% cơ sở có phòng ốc và phương tiện phòng hộ cá nhân không đảm bảo theo quy định; 70% cửa ra vào và các cửa sổ của các phòng X-quang chưa được áp dụng biện pháp chắn tia xạ.

Theo Báo Đất Việt
source
http://www.varans.gov.vn/ShowItems.asp?actType=23&ItemID=2220&TypeGrp=1&menuid=103110&menulink=100000&menuup=103000

No comments:

Post a Comment