Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định 4 nguyên tắc bắt buộc trong giám định tư pháp, gồm: tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn; trung thực, chính xác, khách quan; chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án trong phạm vi được yêu cầu; chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định.
Người giám định tư pháp gồm giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc. Trong hai trường hợp này thì chỉ giám định viên tư pháp được quy định chặt chẽ (như phải có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn theo ngành học từ 5 năm trở lên), còn giám định theo vụ việc quy định đơn giản hơn.
Điều 13 của Pháp lệnh đưa ra quy định khá ngặt về "nghĩa vụ của người giám định tư pháp" với 10 điểm. Trong đó đáng chú ý như, người giám định tư pháp phải thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu, đúng thời hạn, trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan trưng cầu giám định, người trưng cầu giám định biết. Họ cũng phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và giải thích kết luận giám định khi có yêu cầu, nếu đưa ra kết luận sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường…
Xem ra, các nghĩa vụ trên về mặt pháp lý là chặt. Nhưng thực tế áp dụng, chỉ có tổ chức giám định tư pháp được thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự là chấp hành nghiêm. Các tổ chức này có tư cách pháp nhân, đặc biệt là hệ thống tổ chức, bộ máy điều hành, hoạt động khoa học như Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an địa phương, Viện Kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng.
Còn lại, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc giám định (thuộc các bộ, ngành, sở) dù cũng có chức năng tham gia giám định lĩnh vực chuyên môn nhưng do đây là các tổ chức chỉ mang tính hành chính, lại không bị ràng buộc bởi các hoạt động trong tố tụng hình sự nên thực sự khó áp dụng các quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp đối với họ.
Nói như một số ý kiến thì mời được tổ chức này tham gia giám định đã là tốt, nói gì việc ép buộc họ làm đúng tiến độ, đúng yêu cầu. Cho nên, dù quy định của Pháp lệnh là phải đảm bảo đúng thời hạn, đúng yêu cầu, giám định sai gây thiệt hại phải bồi thường nhưng quá khó để yêu cầu xử lý họ.
CQĐT họp bàn giám định một vụ án phức tạp.
Có lẽ nhiều Bộ, ngành hiểu thực trạng đó, gần đây "thương" cơ quan tố tụng bằng cách siết chặt lại quy định giám định trong ngành, lĩnh vực mình. Như Bộ Xây dựng cuối năm 2009 ban hành Thông tư hướng dẫn giám định tư pháp xây dựng. Thông tư này quy định về tổ chức chuyên môn giám định tư pháp xây dựng, trình tự, thủ tục thực hiện giám định tư pháp xây dựng và chi phí.
Theo đó, giám định tư pháp xây dựng là việc giám định liên quan đến hoạt động xây dựng, công trình xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, sản phẩm xây dựng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ giải quyết các vụ án hình sự và vụ việc dân sự. Các lĩnh vực giám định tư pháp xây dựng bao gồm: giám định tư pháp về hoạt động xây dựng, về công trình xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, về sản phẩm xây dựng.
Thông tư yêu cầu "tổ chức giám định phải hoàn trả chi phí giám định, bồi thường thiệt hại trong trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức liên quan". Xem ra, quy định này thể hiện rõ chế tài với giám định viên, tổ chức giám định nếu cố ý làm sai, nhưng thực ra cũng là việc nhắc lại những gì đã nêu trong Pháp lệnh Giám định tư pháp.
Cùng với lĩnh vực xây dựng thì giao thông công chính cũng là mảng nóng, sự nóng của vụ việc trong khi khâu giám định không bám kịp khiến nhiều vụ án bế tắc. Cũng như xây dựng, luật pháp không quy định thành lập tổ giám định tư pháp trong ngành Giao thông công chính mà chỉ thực hiện trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức chuyên môn có điều kiện, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc thực hiện giám định.
Giám định viên tư pháp giao thông công chính là người có đủ tiêu chuẩn quy định được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp. Bộ Tư pháp cấp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo đề nghị của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng với sự phát triển của lĩnh vực giao thông công chính, các tranh chấp cũng như các vi phạm trong lĩnh vực này như tai nạn giao thông, xây dựng cầu đường ngày càng nhiều, phát sinh nhu cầu về giám định của hoạt động tố tụng, bao gồm cả tố tụng hình sự và dân sự. Trong khi đó, đặc thù của hoạt động giao thông công chính là đa lĩnh vực, nhiều đối tượng, tổ chức tham gia, sử dụng nhiều trang thiết bị phương tiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động trải rộng, thời gian dài. Vì vậy, công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông công chính cũng trở nên đa dạng và phức tạp.
Nhiều vi phạm luật pháp trong lĩnh vực xây dựng giao thông, vận tải, phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông gây ra lãng phí thất thoát, hoặc ảnh hưởng đến thân thể, tính mạng của con người nhưng chưa được xử lý kịp thời. Những vụ án liên quan công trình giao thông, dẫu người dân thấy sự ăn bớt bằng mắt thường khi thấy nền đường bị làm dối, hay cọc tiêu lõi bằng tre, nhưng khâu giám định lại không dễ.
Sự kéo dài thời gian khiến bên đầu tư, thi công viện rằng do thời gian lâu nên công trình xuống cấp, hoặc cũng vì những lý do nội bộ mà bị chìm xuồng, không thực hiện hoặc không thể thực hiện giám định tư pháp. Điều đó đã làm cho chế tài thực thi luật pháp chỉ có ý nghĩa trên giấy, không nghiêm túc trên thực tiễn.
Một nghiên cứu cho thấy, những công trình giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng người dân, của xã hội. Khi hạ tầng giao thông như đường sá, cầu cống kém chất lượng, xuống cấp thì làm cho lưu thông bị ngừng trệ, lãng phí về thời gian, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế. Chủ đầu tư là người duy nhất khẳng định về chất lượng công trình, tư vấn giám sát công trình là người giúp chủ đầu tư thực hiện quản lý chất lượng công trình. Nhưng chất lượng công trình phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, đạo đức của người cán bộ giám sát cũng như trình độ quản lý dự án của chủ đầu tư.
Người dân hưởng thụ các sản phẩm của xây dựng công trình giao thông nhưng lại không có được những thông tin, đánh giá mang tính độc lập về chất lượng công trình. Do vậy, khi có sự cố công trình xảy ra, ảnh hưởng đến lợi ích, tính mạng của con người, thường sẽ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm dẫn đến sự cố (vụ sập cầu dẫn đang thi công ở cầu Cần Thơ là một ví dụ).
Cây gỗ sưa này, để giám định phải gửi đến Viện Lâm sản với chi phí không nhỏ.
Quan sát các vụ án kinh tế, chức vụ phải trưng cầu giám định, nhất là lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi…, chúng tôi nhận thấy những tồn tại chủ yếu sau đây:
Một, việc hình thành lực lượng giám định tư pháp còn rất phân tán theo Bộ, ngành và địa phương, số này chủ yếu kiêm nhiệm khi có yêu cầu còn bình thường tham gia việc khác. Khi cơ quan tố tụng cần trưng cầu thì các Bộ, ngành, địa phương nhận được văn bản trưng cầu mới cho tìm giám định viên để thực hiện, quá trình đó kéo dài. Khi thực hiện, giám định viên cũng không tận lực, còn sự sao nhãng. Thêm vào đó là chuyên môn có hạn nên vụ việc bị trả về CQĐT không ít.
Thứ hai, chưa có ràng buộc trách nhiệm pháp lý và chế tài xử lý cụ thể. Khi giám định viên, tổ giám định kéo dài, trễ thời hạn, họ đưa ra các lý do biện minh, trong khi nếu kết luận không chính xác thì cũng khó xử lý bởi quan niệm "vụ việc phức tạp, khó giám định".
Thứ ba, việc trưng cầu chính tổ giám định thuộc các Bộ, ngành, có lý do để nghi ngờ sự khách quan, vô tư. Chẳng hạn, khi CQĐT cần điều tra vụ án rút ruột công trình giao thông, bản trưng cầu giám định được gửi đến chính ngành Giao thông vận tải và ngành này lại sử dụng giám định viên mình quản lý. Chắc chắn, giám định viên dù muốn hay không cũng bị các chi phối bởi quan niệm "ăn cây nào, rào cây ấy", chưa nói đến những tiêu cực khác phát sinh do tính chất nội bộ. Đây là vấn đề cần sớm được điều chỉnh.
Thứ tư, hiện chưa có một cơ chế, hướng dẫn cụ thể cho việc trưng cầu giám định tư pháp ngành, lĩnh vực. Theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp, hoạt động này do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu nhằm phục vụ việc giải quyết các vụ án. Thế nhưng lại không quy định chức năng giám định bổ trợ tư pháp cho cơ quan cụ thể nào trong khi thực tế xét xử của tòa án gặp phải nhiều vụ việc mà giá trị tài sản, mức độ thiệt hại là cơ sở để định tội, đánh giá bản chất… Điều này khiến tòa án gặp nhiều khó khăn trong xét xử. Cũng có một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng chưa đúng những quy định của pháp luật về giám định tư pháp, nhất là việc định giá các tài sản bị xâm hại.
Điểm nữa, mọi kinh phí giám định hiện không có ngân quỹ riêng và phải lấy từ kinh phí điều tra. Những vụ án lớn, kinh phí giám định mà phía cơ quan giám định tư pháp đưa ra, có khi lên tới hàng tỷ đồng. Choáng với khoản kinh phí lớn này, có lý do để hiểu không ít CQĐT ái ngại khi ký trưng cầu giám định.
Với những tồn tại đó, đã đến lúc cần phải xem xét lại toàn bộ hoạt động giám định tư pháp, cả về luật pháp lẫn thực tiễn
source
http://www.baomoi.com/Info/Tim-giai-phap-thao-go-nhung-bat-cap-trong-giam-dinh-tu-phap/58/3983565.epi
No comments:
Post a Comment