Sự cố công trình xây dựng - Bất cập trong quy định hiện hành và kiến nghị khắc phục Trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan việc hướng dẫn quản lý chất lượng, xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, xử lý công trình khi có sự cố,… như các nghị định NĐ 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004, NĐ 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007, NĐ 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ, các Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22/7/2009, số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng…, qua đó đã tạo căn cứ để xử lý các vấn đề liên quan đến giải quyết các sự cố trong hoạt động xây dựng. I. GIẢI QUYẾT SỰ CỐ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG: Từ thực tế hoạt động xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh, một số nội dung của các văn bản liên quan đã ban hành nêu trên nhằm xử lý công trình xây dựng gây ảnh hưởng hư hỏng cho công trình lân cận đã xuất hiện các bất cập, không khả thi, dễ bị lợi dụng, cần được điều chỉnh theo hướng “xã hội hóa” để các bên liên quan dễ xử lý, để vai trò QLNN của các địa phương không còn lúng túng khi giải quyết sự cố công trình xây dựng xảy ra ở các quy mô khác nhau. - Theo định nghĩa, ở điều 3, Luật Xây dựng, Sự cố công trình xây dựng là những hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép, làm công trình có nguy cơ sụp đổ, đã sụp đổ 1 phần hay toàn bộ, hoặc công trình không thể sử dụng được theo thiết kế. Riêng về cụm từ “không thể sử dụng được theo thiết kế”, chưa được giải thích chi tiết, trên thực tế đã diễn ra cách hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đã có những công trình tuy gây ảnh hưởng rất nhẹ đến công trình lân cận, như nứt nhẹ tường, lún nhẹ nền, rất hay xảy ra ở các công trình xây chen trong các đô thị của cả nước, nhưng được hiểu là không sử dụng được theo thiết kế, là sự cố và Thanh tra xây dựng địa phương tiến hành đình chỉ thi công ! Hơn nữa: - Nghị định 180/2007/NĐ-CP, ở điều 5, Công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đô thị phải bị xử lý, bao gồm “công trình có tác động đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư”. Chính định nghĩa được định lượng không rõ ràng này một lần nữa đang gây khó khăn thêm cho việc áp dụng thực tế; đặc biệt khi chủ đầu tư và các hộ dân lân cận bị ảnh hưởng đã có mâu thuẫn nhau từ trước hay những hộ bị ảnh hưởng có sự tính toán chi li quá đáng. QLNN khi thực hiện nhiệm vụ, đã lúng túng khi xử lý tình huống. Đối với hành vi vi phạm TTXD đô thị này, khi xảy ra, chủ đầu tư bị buộc bồi thường thiệt hại, là lẽ đương nhiên, nhưng mọi công trình phải bị đình chỉ thi công. Điều 15 của Nghị định 180/2007/NĐ-CP lại quy định về xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư: Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại: a) Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; trường hợp các bên không thỏa thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại Tòa án; b) Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại. Nội dung bồi thường thiệt hại lại không quy định rõ ràng, thực tế được hiểu theo nhiều nghĩa! - Thông tư 24/2009/TT-BXD: Điều 4 – khoản 5 – mục b – công trình xây dựng gây ảnh hưởng hư hỏng cho công trình lân cận sẽ bị lập biên bản yêu cầu ngưng thi công và chỉ được thi công lại nếu đạt một trong các điều kiện sau: + Hai bên tự thỏa thuận được việc bồi thường; + Bên bị thiệt hại vắng mặt không có lý do chính đáng trong cả 2 buổi thỏa thuận do Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức; + Có quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Nhưng nếu phải giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án thì thường là thời gian thụ lý sẽ kéo dài. Chắc chắn để xử, Tòa sẽ cần trưng cầu giám định; xử xong, bên bị hại không đồng ý, khiếu nại cấp Tòa cao hơn…; công trình tiếp tục bị ngưng thi công. Đã có trường hợp người thi công rất lâu dẫn đến gây thiệt hại nặng cho chủ đầu tư (trong nhiều trường hợp, giá trị thiệt hại do không thể đầu tư lớn hơn nhiều lần giá trị thiệt hại của bên bị ảnh hưởng)! Số lượng công trình xây dựng nhiều nhất trên các địa bàn, vẫn là nhà ở liên kế phố trong những đô thị hiện hữu, trong đó nhiều công trình chủ đầu tư còn được phép tự thiết kế, không thuê giám sát, và do đó dễ xảy ra, những hành vi “vi phạm trật tự đô thị” đã nêu, nếu không có những hướng dẫn thật chi tiết. Thực tế nhiều trường hợp dẫn đến việc bên bị hại gây khó khăn, khiếu kiện kéo dài – kể cả khi 2 bên (gây hại và bị hại) đều thống nhất thuê một đơn vị trưng cầu giám định, nhưng sau đó lại phủ nhận kết quả trưng cầu này do bất lợi cho mình ! Công trình bị đình chỉ trong thời gian dài, nhiều trường hợp sẽ làm bên gây hại trở thành bên bị hại và ngược lại. - Việc “bồi thường thiệt hại” chưa quy định cụ thể, trên thực tế lại xảy ra những yêu cầu bồi thường, không chỉ về vật chất (đương nhiên), mà còn bồi thường những thiệt hại về kinh tế, về tinh thần… rất khó xác định. Đó là chưa kể đến việc phải đưa ra Tòa, Tòa án địa phương hầu hết đều lúng túng khi thụ lý những vụ án có nội dung này và nếu có thanh lý, lại phải thuê, một tư vấn độc lập để kiểm định, định giá. Bản thân đơn vị này cũng chỉ xác định giá trị thiệt hại về vật chất mà thôi. Sự tranh cãi bất tận; sự khiếu kiện có thể kéo dài đến các cấp Tòa cao hơn, như đã trình bày ! Kết quả là công trình bị đình chỉ thi công lâu dài! Việc “bồi thường thiệt hại” trên thực tế tại TP.HCM, còn xảy ra trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính giải quyết sự cố lớn cho các nhà lân cận; nhà thầu thì không tìm được, và bản thân nhà thầu cũng không khắc phục được (công trình đưa vào sử dụng gần 1 năm), như nhà 124A đường số 11 - phường 5 - quận Gò Vấp 2 tầng, mái bằng, sụp đổ, gây ảnh hưởng đến những nhà lân cận trong đó có 1 nhà 4 tầng (xem hình 1). Trước mắt, chính quyền quận Gò Vấp phải ứng ngân sách để trang trãi tất cả các chi phí khắc phục, đảm bảo lại an toàn cho khu vực, còn chủ đầu tư chấp nhận thụ án Tòa, khi vụ án được chính quyền khởi kiện ! Tất cả những trường hợp bất cập đó, cần được sửa đổi, hướng dẫn để giải quyết theo hướng hội nhập, xã hội hóa. II. VẤN ĐỀ MUA BẢO HIỂM: Điều 51, 58, 90 của Luật Xây dựng quy định các nhà thầu khảo sát, thiết kế, giám sát thi công có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Điều 72. Luật Xây dựng quy định nhà thầu thi công xây dựng công trình có nghĩa vụ mua bảo hiểm. Tuy nhiên Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiệu lực 01/4/2001) lại quy định bảo hiểm trong hoạt động xây dựng không phải là bảo hiểm bắt buộc. Việc mua bán bảo hiểm trong hoạt động xây dựng được thực hiện như đối với các loại hình bảo hiểm tự nguyện phi nhân thọ khác. Các doanh nghiệp bảo hiểm có quyền chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của từng loại hình bảo hiểm tương tự các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác (văn bản giải thích số 13994/BTC-BH ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn cho Sở Xây dựng TP.HCM) ! Thực tế, việc mua bảo hiểm trong các hoạt động xây dựng hiện nay đang diễn ra theo hướng: - Các đơn vị tư vấn (khảo sát, thiết kế, giám sát) mua bảo hiểm cho đơn vị mình theo 1 trong 2 dạng: mua cho toàn bộ hoạt động tư vấn có hợp đồng trong năm tài chính hay mua theo từng hoạt động riêng lẻ. Mức mua (và mức chi trả bảo hiểm tương ứng) không quy định mức sàn, nên thường là mua giá trị thấp, chiếu lệ, để không bị phạt khi Thanh tra xây dựng kiểm tra công trình. Các doanh nghiệp bảo hiểm do vậy cũng không cần thuê chuyên gia để phải xem xét năng lực tư vấn, giải pháp thiết kế, mức độ an toàn … để có cách hành xử (bán bảo hiểm) phù hợp như thông lệ các nước. Đặc biệt, các hoạt động tư vấn cho những công trình riêng lẻ của dân cư trong đô thị xây chen hầu như không mua bảo hiểm. Kết quả là khi xảy ra sự cố, do sơ suất nghề nghiệp, đơn vị tư vấn không đủ khả năng tài chính để khắc phục, gây thiệt hại cho xã hội và phức tạp cho việc quản lý các hoạt động xây dựng. - Các đơn vị thi công, do chưa bắt buộc mua, nên thường là không mua bảo hiểm thi công công trình,. Nếu có, đối với công trình lớn, là mua bảo hiểm máy móc thiết bị sử dụng và trách nhiệm bên thứ ba (và cũng chỉ mua tượng trưng). Việc mua đầy đủ các loại bảo hiểm công trình xây dựng, trang thiết bị và máy móc phục vụ xây dựng… thường chỉ tiến hành với những dự án lớn, đặc biệt các dự án liên quan đến đầu tư nước ngoài (FDI, ODA). Nhiều trường hợp khi sự cố xảy ra do biện pháp thi công, chủ đầu tư (và nhà thầu) rất khó khăn về năng lực tài chính để khắc phục. - Các văn bản pháp lý hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm, chủ yếu lại gồm những hướng dẫn các nội dung liên quan đến thành lập đơn vị, hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Hoàn toàn đang để trống những nội dung, những quy định cần có để hướng dẫn chi tiết về bảo hiểm trong hoạt động xây dựng. - Và do đó, cùng với nhiều yếu tố khác nữa (an toàn của lưới bao che công trình, của giải pháp chống vách tầng hầm khi thi công, kiểm tra chất lượng vách tầng hầm có kỹ sư chuyên trách an toàn tại công trường…) không được xem xét đúng mức đã làm cho giá xây dựng chưa tính đúng, tính đủ, dễ xảy ra sự cố và gây cản ngại cho việc xử lý sự cố nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi bên bị hại. Chính vì vậy, ở nhiều công trình xây dựng trên cả nước hiện nay, việc mua các loại bảo hiểm của các bên vẫn còn là hình thức. Và đã là hình thức, đơn vị bán bảo hiểm cũng không cần năng lực chuyên môn cao về xây dựng, để có thể đánh giá năng lực của tư vấn, sự an toàn, hợp lý của biện pháp thi công nhằm xác định đúng giá trị cần bán bảo hiểm… Bảo hiểm đã không là cánh tay nối dài của các đơn vị QLNN trong hoạt động xây dựng, khi các hoạt động này diễn ra ở khắp các địa phương, hàng ngày. Bản thân lực lượng Thanh tra xây dựng cũng không đủ năng lực để kiểm tra, ngăn ngừa sự cố từ đầu và cũng không thể làm được khi không thường xuyên, liên tục có mặt ở công trình. Những bất cập này cần được khắc phục nhanh chóng, ngay từ đầu, một cách có hệ thống, bằng các quy định chặt chẽ của pháp luật. Trách nhiệm đa phần đang thuộc Bộ Tài chính. III. NHỮNG KIẾN NGHỊ 1- Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, ảnh hưởng nhẹ đến công trình lân cận (phải do QLNN theo phân cấp ở các địa phương tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm khi đã xảy ra), phải buộc đình chỉ thi công nhưng tối đa 7 ngày, để xác định mức độ hư hại thật sự về vật chất và để chủ đầu tư công trình gây ảnh hưởng tự sửa chữa, khắc phục triệt để. Sau thời hạn này, nếu kết quả kiểm tra cho thấy hư hỏng không đáng kể, phương án thi công sẽ không gây ảnh hưởng tiếp và chủ đầu tư đã khắc phục sửa chữa, bồi thường các thiệt hại công trình sẽ được phép tiếp tục thi công. Nếu sau đó, tiếp tục gây ảnh hưởng công trình lân cận, mới buộc đình chỉ thi công để có giải pháp khắc phục triệt để được thẩm tra. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng công trình vẫn được tiến hành; biện pháp đình chỉ thi công không xác định rõ thời gian chỉ áp dụng đối với công trình gây sự cố lớn cho công trình lân cận. 2- Việc bồi thường thiệt hại vẫn do các bên tự thỏa thuận, dù nhiều trường hợp không chỉ là bồi thường về thiệt hại vật chất. Tuy nhiên, nếu hai bên không thỏa thuận được, phải khởi kiện ra Tòa, thì khi Tòa thụ lý vụ án, án phí được đóng, bên gây hại cam kết chấp hành án tòa, không kiện cấp Tòa cao hơn, thì cần giải tỏa quyết định đình chỉ thi công công trình. Vấn đề bồi thường sẽ tiếp tục thực hiện sau đó, theo kết quả phân xử của Tòa. 3- Cần sửa đổi và bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm, theo đó buộc nhà thầu xây dựng (hay chủ đầu tư) phải mua bảo hiểm cho công trình thiết bị thi công, cho trách nhiệm bên thứ ba, với những mức chi tiết cho từng loại hính, từng quy mô, sự phức tạp của công trình phù hợp thông lệ khu vực. Điều này có thể làm tăng thêm chi phí cho nhà thầu, tư vấn, chủ đầu tư và cả người dân khi xây dựng lại nhà ở của mình, vì giá bỏ thầu sẽ cao hơn, nhưng là chi phí cần thiết cho một xã hội tiến bộ, để những bất cập xảy ra không bị lúng túng trong hành xử thực tế. Ngoài ra, bảo hiểm hoạt động tư vấn xây dựng (bắt buộc) cần quy định mức sàn, để tránh việc thực hiện còn hình thức, đối phó, như hiện nay. Bảo hiểm phải là cánh tay nối dài của QLNN về chất lượng công trình xây dựng, theo hướng xã hội hóa, xã hội tự giải quyết cách hệ thống, đúng mực và có thực hiện, góp phần quan trọng để giảm thiểu sự cố xảy ra và khi sự cố xảy ra, việc giải quyết sẽ không quá phức tạp, kéo dài, gây tranh cãi như hiện nay. |
Wednesday, 17 March 2010
Sự cố công trình xây dựng - Bất cập trong quy định hiện hành và kiến nghị khắc phục
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment