Tuesday, 16 March 2010

“Sự sống” của họa sĩ bị liệt Trịnh Long



“Sự sống” của họa sĩ bị liệt Trịnh Long

Ngày 5/8/2009, tại Trung tâm mỹ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội diễn ra lễ khai mạc triển lãm tranh đặc biệt mang tên "Sự sống". Họa sĩ Trịnh Long, người đã phải vượt qua rất nhiều đau đớn, khó khăn trong suốt gần 10 năm (1999-2009) bị liệt để có thể ra mắt khán giả gần 40 bức tranh trong lần triển lãm đầy xúc động này.


Hoạ sĩ Trịnh Long.


Dụng cụ kẹp bút.


Bức tranh tự hoạ và chiếc xe lăn của hoạ sĩ Trịnh Long.


Triển lãm thu hút rất nhiều người đến xem.

Đang là giảng viên giỏi của trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp, Hà Nội, một tai nạn thương tâm đã khiến Trịnh Long bị liệt toàn thân khi mới 30 tuổi. Mọi cánh cửa đến với nghệ thuật của anh dường như đều khép lại. Nhưng một chút cử động của cánh tay phải cũng đã đủ để anh nuôi hy vọng quay trở lại con đường nghệ thuật. Bằng sự nỗ lực phi thường, Trịnh Long vẫn sáng tác, theo một cách rất riêng của mình. Để ngày hôm nay, công chúng có dịp được xem một triển lãm tranh mang nhiều ý nghĩa như chính tên của nó: "Sự sống".

Vì lý do sức khỏe anh đã không thể có mặt tại triển lãm nhưng rất đông người thân, bạn bè, đồng nghiệp… đã đến ủng hộ anh. Trong không gian ấm cúng tại Trung tâm Mỹ thuật Việt, mọi người đã được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật, được nghe những câu chuyện cảm động từ chính những người thân, người bạn của anh kể lại. Không có nhiều lựa chọn trong việc thể hiện, Trịnh Long tìm đến mảng vẽ chân dung nhiều hơn cả. Anh vẽ người thân, bè bạn xung quanh. Những bức chân dung như Em Huệ, Bé Ngọc Trâm, Em Lan, Narita, Chị Nina... đều được anh thể hiện rất bình dị nhưng mang lại nhiều tình cảm cho người xem. Ngoài ra, Trịnh Long còn vẽ nhiều tranh phong cảnh như “Phong cảnh vùng cao”, “Phong cảnh Sapa”, “Phong cảnh Cát Bà”… theo các ký hoạ, ghi chép trước đây, theo trí nhớ và sự tưởng tượng. Khi chân tay không thể cử động được, anh vận dụng mọi giác quan của mình để cảm nhận cuộc sống, vì thế những bức tranh của Trịnh Long mang những nét rất tinh tế. Ẩn sâu bên trong những nét vẽ là một tâm hồn thiết tha yêu đời.

Những bức tranh “siêu thực” của Trịnh Long lại mang một phong cách dữ dội hoàn toàn khác. “Sự sống”, “Mùa vĩnh cửu” thể hiện sự đau khổ, giằng co đầy khắc nghiệt trong cuộc sống. Riêng bức “Sự sống”, Trịnh Long mất tới 6 năm để hoàn thành. Bức tranh là bằng chứng cho sự quyết liệt của anh trước số phận nghiệt ngã, thể hiện sức mạnh phi thường trong cuộc đời. Các bức tự họa của Trịnh Long thể hiện sự giao hòa giữa thân thể với thiên nhiên, khát khao hòa mình ra thế giới bên ngoài.


Chân dung bé Ngọc Trâm (sơn dầu trên vải).


Tắm (sơn dầu trên vải).


Chân dung Quỳnh Trang (sơn dầu trên vải).


Sự sống (sơn dầu trên vải).


Tự hoạ (sơn dầu trên vải).


Ký ức (sơn dầu trên vải).


Phong cảnh vùng cao (sơn dầu trên vải).

Mang tên "Sự sống", triển lãm tranh của họa sĩ Trịnh Long đã mang đến cho khán giả nhiều bài học quí giá. Đó là niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào khả năng vươn lên một cách kì diệu của con người. Triển lãm như một món quà tuyệt vời tặng cho cuộc sống, cho những người thân và chính bản thân anh.

* Trịnh Long sinh ngày 22-8-1969 tại Hà Nội. Tốt nghiệp ngành Trang trí nội thất Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1992 và được giữ lại làm giảng viên cho đến năm 1999.

Bài: Hà Anh, Ảnh: An Thành Đạt, tư liệu

source

http://www.vietnampictorial.com/Internet/vi-VN/49/130/18/24033/8/2009/Page=1/Default.aspx

No comments:

Post a Comment