Tuesday, 15 March 2011

Trẻ sơ sinh có thể bị bịnh nặng nếu nuốt mật ong


Trẻ sơ sinh có thể bị bịnh nặng nếu nuốt mật ong
Cập nhật lúc 8:09:02 PM - 11/03/2011
Hỏi: Có phải là trẻ sơ sinh ăn mật ong có thể bị bệnh? Tại sao?

Trả lời: Trẻ em dưới 12 tháng không nên ăn mật ong, vì có thể mắc bệnh “botulism”. Mật ong có thể chứa những hạt mầm của vi trùng Clostridium botulinum. Nơi người lớn và trẻ lớn, những hạt mầm này vô hại. Nhưng nếu trẻ dưới 12 tháng ăn vào, chúng có thể gây ra bệnh botulism của trẻ sơ sinh. Người Việt mình hay dùng mật ong rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh, cũng có thể khiến các em mắc bệnh. Nguyên nhân chưa được biết rõ tại sao chỉ trẻ sơ sinh mới mắc bệnh. Bệnh này ảnh hưởng đến hệ thần kinh của em nhỏ và có thể gây ra cái chết. Những triệu chứng gồm có:
- Bón kéo dài.
- Tay, chân, cổ mềm oặt.
- Tiếng khóc yếu ớt vì bắp thịt bị yếu đi.
- Nút sữa rất yếu, không ăn được.
- Trông rất mệt, uể oải buồn ngủ.
Hạt mầm vi trùng Clostridium botulina cũng có thể tìm thấy trong đồ ăn nấu chưa chín, corn syrup, maple syrup. Em bé ăn phải những thứ trên cũng có thể bị bệnh.

* Khi em bé bịnh: nên gọi bác sĩ lúc nào?
- Khác với người lớn có thể diễn tả cái đau, cái khó chịu của mình, các em bé không có khả năng đó. Các em chỉ biết khóc, quấy lè nhè. Do đó, đôi khi cha mẹ khó phân biệt được những triệu chứng bệnh nhẹ hay nặng. Bài dưới đây cho biết khi nào nên gọi bác sĩ và khi nào nên gọi cấp cứu 911.
Nên gọi bác sĩ khi:
- Em bé bỏ nhiều bữa hay ăn rất ít.
- Không chơi vui như bình thường, nhất là có vẻ lừ đừ mê mệt, khó đánh thức dậy. - - Cũng nên gọi nếu em bé quấy khóc khác hẳn bình thường.
- Màu da thay đổi. Nếu da em bé có màu vàng hay em có màu xanh tím quanh môi và móng tay móng chân, nên gọi ngay.
- Rún hay bộ phận sinh dục đau, sưng đỏ, chảy máu.
- Sốt. Sốt nhẹ thì không cần phải gọi bác sĩ. Tuy nhiên, nên gọi nếu em bé nhỏ hơn 2 tháng và nhiệt độ lấy ở hậu môn cao hơn 100,4 độ F, hoặc em bé lớn hơn có nhiệt độ lấy ở nách và tai cao hơn 102 độ F.
- Tiêu chảy. Trẻ bú mẹ thường có phân hơi lỏng hơn trẻ bú bình. Nếu phân em bé chảy nước nhiều và em đi nhiều hơn 6, 7 lần một ngày, là em đã bị tiêu chảy.
- Ói. Lâu lâu em bé ụa sữa thì là bình thường. Nên gọi bác sĩ khi em bé ói nhiều và ói sau mỗi bữa ăn.
- Bị khô nước. Em bé có thể bị khô nước trong người, nếu em bị tiêu chảy hay ói nhiều và không bú được. Gọi bác sĩ khi em bé không đi tiểu quá 6 tiếng, hoặc khi thóp trên đầu của em có vẻ bị hõm xuống. Nếu em bé khóc nhiều mà không có nước mắt cũng nên gọi bác sĩ.
- Bón. Nếu em bé thình lình khóc to trong khi đi cầu, đi ra phân có máu hoặc giống như jelly, hay không đi cầu trong nhiều ngày, cần gọi bác sĩ.
- Cảm. Nếu em bé bị cảm không thở hay ăn được, bi ho nhiều có đàm màu xanh, nên gọi bác sĩ.
- Đau tai. Gọi bác sĩ nếu em bé khóc và kéo tai của em, có vẻ không nghe tiếng động lớn hay có mủ chảy ra từ tai.
- Nổi mẩn đỏ. Nếu em bé thình lình bị nổi mẩn đỏ, nên gọi bác sĩ, nhất là nếu em có bị sốt kèm theo
- Mắt đỏ, ra ghèn. Nếu mắt em bé bị sưng, đỏ, ra ghèn nhiều, cần gọi bác sĩ
- Bị thương. Càng lớn, em bé càng di động nhiều và dễ bị tai nạn. Nếu em bị vết cắt, phỏng, bầm tím... và bạn không biết phải làm gì, nên liên lạc với bác sĩ.
Nói chung, khi nào bạn cảm thấy hoang mang cần hỏi bác sĩ, nên gọi.
Trường hợp khẩn cấp
Có những trường hợp khẩn cấp thực sự, không thể chờ bác sĩ trả lời, bạn phải gọi cấp cứu ngay. Đó là những trường hợp sau:
- Chảy máu nhiều, bạn không làm ngừng được.
- Em bé ăn nhầm thuốc.
- Em bé bị giật kinh.
- Em bị khó thở, thở thoi thóp, khò khè.
- Bị chấn thương đầu nặng.
- Thình lình mê man hay không cử động được.
- Mắc nghẹn.
- Nằm im lìm, không trả lời.
Khi gọi bác sĩ hay cấp cứu, nên chuẩn bị trả lời những câu hỏi về bệnh của em, thường là những câu hỏi sau:
- Những triệu chứng của em. Tại sao bạn gọi?
- Bệnh sử của em: bắt đầu bịnh từ lúc nào, có bị dị ứng gì không, có chích ngừa đầy đủ không, có bệnh kinh niên không, có ai trong nhà bị bệnh không, em bé có bị thương không...
- Rất nhiều những câu hỏi khác về tình trạng ăn uống, thuốc men của em, nhiệt độ...
Tất cả những câu hỏi này giúp bác sĩ hoặc các nhân viên y tế định bệnh em bé hầu cứu chữa đúng mức và kịp thời.

Khi nào gọi là bón?

Hỏi: Em bé 2 tháng mà 3 ngày không đi cầu thì có bình thường không?

Trả lời: Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi mà không đi cầu trong 3 ngày thì là không bình thường. Em bị bón. Thông thường trẻ sơ sinh đi cầu khoảng 4 lần mỗi ngày. Trẻ bú sữa mẹ đi cầu nhiều lần hơn trẻ bú sữa bình. Số lần đi cầu mỗi ngày sẽ giảm dần, đến khi em 2 tuổi thì chỉ đi 2 lần mỗi ngày. Cách chữa bón nơi trẻ sơ sinh thay đổi tùy theo tuổi
- Dưới 2 tháng: Cần tham khảo bác sĩ của bé.
- 2 tới 4 tháng: Cho em uống từ 2 oz nước, mỗi ngày 2 lần. Nếu không đỡ, cho uống nước trái cây như nho, lê, táo, cherry hay mận ngày 2 lần.
- 4 tháng trở đi: Nếu em đã biết ăn thức ăn đặc, cho em ăn những thứ có nhiều chất sợi như peas, đậu beans, trái mơ, trái mận, đào, lê, mận khô hay rau spinach, ngày 2 lần.
Có thể bôi chất nhờn (lubricants) vào chỗ hậu môn, để phân ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không nên cho mineral oil, thuốc xổ hay thuốc bơm vào hậu môn trẻ sơ sinh.
Bón thường xảy ra trong thời gian chuyển tiếp từ bú mẹ qua bú bình, từ thức ăn xay nhuyễn tới thức ăn thường. Đôi khi, bón có thể do một bệnh của ruột hay tuyến giáp trạng. Nếu bón kéo dài, nên gọi bác sĩ.

Lời từ chối trách nhiệm (Disclaimer): Những bài viết trong mục “Sức Khỏe” chỉ nhằm mục đích chỉ dẫn tổng quát, không thể dùng thay thế sự chăm sóc của bác sĩ hay nhân viên y tế. Độc giả cần tham khảo thêm với bác sĩ của mình khi bị bệnh.
source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment