Tuesday 13 April 2010

SÁNG TẠO TRONG NHIẾP ẢNH





Ven sông



SÁNG TẠO TRONG NHIẾP ẢNH

Một tác phẩm Nghệ Thuật nói chung, được đánh giá cao, thường là nhờ tính sáng tạo. Cùng một chủ đề, tác phẩm nào được thể hiện với nhiều yếu tố sáng tạo, tất được tán thưởng hơn.

Trong Nhiếp ảnh, sáng tạo được biểu hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau: Sáng tạo qua cái nhìn - kỹ thuật sử dụng máy - kỹ thuật buồng tối...vv. Sáng tạo là làm ra cái mới mẻ khác lạ cũng như khi nói đến sáng kiến, sáng chế, nếu "sáng" mà cứ như thường nhật thì chẳng có gì "sáng" cả.

Óc sáng tạo đòi hỏi người cầm máy khả năng tưởng tượng, cách nhìn nhạy bén, nếu không, khó có được tác phẩm độc đáo, vì hình ảnh chỉ thoáng qua giây lát mà thôi. Mấy chục năm về trước lúc mới tập tểnh vào làng ảnh, tôi hết sức ngạc nhiên khi xem những tác phẩm đã gây cho tôi ấn tượng mạnh và rất thích thú, nhưng không hiểu tác giả chụp cái gì, chụp như thế nào....chỉ vì tôi nhìn sự vật bằng con "mắt trần", cảm thức bị đóng khung trong đời sống thường nhật. Có lần (năm 70) trong quán nhậu Ba Mập (ai ở Nha Trang tất biết quán Ba Mập ở đường Hoàng Tử Cảnh), ngồi chung bàn với nhiếp ảnh gia Tôn Lập và một nhiếp ảnh gia nổi tiếng là "tài hoa", ông có tác phẩm đã làm tôi vô cùng thán phục, tác phẩm: Căng Sữa. Rõ ràng là hình ảnh một bầu vú căng nứt một đường cung và sữa chảy ra óng ánh, nhưng không phải chụp vú thật. Do thắc mắc ngây thơ buổi đầu, trong khi vui chuyện, tôi đã hỏi ông chụp cái gì, và hỏi nhiều lần. Ông đã trả lời: "Hỏi gì mà kỹ thế". Tôi không hỏi nữa. Lúc ra đường chia tay, nhiếp ảnh gia Tôn Lập sát vào tai tôi nói nhỏ : "Giọt dầu trên đường nhựa". Thế là bao nhiêu bí hiểm vở tung. Đây là một trường hợp sáng tạo. Hàng triệu triệu người nhiều lần thấy giọt dầu trên đường nhựa loang ra khi trời mưa (ở VN chứ Mỹ thì hiếm) nhưng vì không có con mắt sáng tạo nên không mấy ai nhìn ra hình ảnh độc đáo kia.

Óc sáng tạo ai cũng có, vấn đề là làm sao mở ra. Một cô học viên đã cho một nhận xét : "Từ ngày học nhiếp ảnh, em xem phim thấy hay hơn". Điều này chứng tỏ khả năng tiếp cận với sáng tạo nghệ thuật của cô có sẵn từ trước. Sáng tạo là làm ra cái mới nhưng bản gốc vẫn là sự thật ( ít ra đối với nhiếp ảnh). Sáng tạo không chỉ dùng con mắt nhìn mà thôi, đôi khi cần đến sự tưởng tượng rồi từ đó đi tìm hay dàn dựng làm nên tác phẩm. Tất nhiên giàn dựng nhưng phải thật. Nếu thiếu kiểm soát, để óc tưởng tượng "tự tung tự tác" thì tác phẩm tuy có mới mà phi lý. Đã có lần tôi được mời làm giám khảo một cuộc thi, có một bộ ảnh chụp Hoa Sen, mằu sắc đẹp nhưng hầu hết hoa nào cũng có con sâu to bằng ngón tay nằm giữa gương sen. Nhiều người ngạc nhiên làm sao mà có sâu bò lên đó. Chính tôi được tác gỉả cho biết ông phải ra hồ sen Echo Park từ 4 giờ sáng, soi đèn tìm những hoa có sâu. Hôm đó có đến mười mấy người làm giám khảo, có những người không hề ở trong giới ảnh nghệ thuật đến xem, cũng được mời chấm. Thấy không ai thắc mắc gì về Sen và Sâu, tôi cũng "Nhập gia tùy tục".

Đây là một sự sáng tạo hơi lố và chứng tỏ tác giả không am tường sự việc. Theo sách vở và tôi cũng đã tham vấn một vài Thượng Tọa thì Hoa Sen không bao giờ chấp nhận một thứ sâu bọ nào. Sen búp, Sen nở, Sen tàn cho đến khi Cánh Sen rơi rụng không hề bị sâu cắn. Ai đã chụp ảnh Hoa Sen đều nhận thấy điều này. Hương Sen thơm nhưng lại dị ứng với các loài bướm. Bướm không thể nào đẻ trứng để nở thành sâu. Nếu bảo sâu nơi khác bò lên thì càng phi lý, trừ khi sâu bò qua cánh tay tác giả.

Vô đề

Sáng tạo là điều cần thiết trong nghệ thuật nhưng sáng tạo có tính cách phù phép ảo thuật thì chỉ dừng ở mức giải trí chứ không đi xa và lâu bền được.

Đã nói Nhiếp Ảnh là vẽ bằng ánh sáng, nhưng nét vẽ theo tôi, phải được hướng dẫn bằng mắt chứ không "bằng tay". Bằng tay nghĩa là bằng chiếc máy ảnh. Nếu bằng tay chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm giống nhau như những sản phẩm ra hàng loạt. Cũng đã có người bảo rằng chụp ảnh với chiếc máy ảnh nhưng thực sự là Mắt chụp chứ không phải Máy chụp. Câu nói hàm ý sáng tạo trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Một trăm chiếc máy trong một lúc cùng một vị trí, một cảnh vật, sẽ cho những tác phẩm hoàn toàn giống nhau. Máy không biết lựa chọn, chắt lọc cho sáng tạo. Chỉ có mắt nhìn, mắt là cửa ngõ của tâm hồn, tầm hồn thì không phải là những hình nộm trong các window shop. Chính tâm hồn đã cho những tác phẩm làm chúng ta ngạc nhiên thích thú. Những tác phẩm mang tính sáng tạo qua đôi mắt, thường được khai thác nhiều trong chân dung. Chúng ta có thể xem một số tác phẩm chân dung của các nhiếp ảnh gia Phạm văn Mùi, Lee Lan Siêu, Lê Anh Tài, Lại Hữu Đức, Khưu Từ Chấn..để thấy sự sáng tạo trong tác phẩm của họ không phải là thêm thắt mà chính là bắt được cái thần sắc đích thực của chủ đề, một công việc do mắt chủ động. Nhưng mắt phải là thứ "cửa sổ của tâm hồn" chứ mắt thịt thì cũng chỉ để dùng cho sinh hoạt đời thường. Sáng tạo bằng khóe nhìn thành bại trong chớp mắt. Không được phép tô đi đồ lại, nếu ngâm nga ngẫm nghĩ thì hình ảnh sẽ tan biến ngay. Đây là "hình ảnh của khoảnh khắc".

Một lần đi với ông bạn hàng xóm, họa sĩ Rừng, đến thăm vợ chồng nhà vẽ Hồ Thành Đức Bé ký, trong khi Bé Ký lay hoa dọn bàn ( để làm món nhậu) thì Rừng chỉ xuống bàn và nói:

- Nè Bé Ký, tác phẩm đây.

Bé Ký vội chạy lại, tôi cũng chồm qua xem, rõ ràng miếng vải nhựa màu xám nhạt lúc trải, bàn có một khuỷnh ướt, đã dính sát mặt bàn, vẽ ra một mảng đậm với đường nét của "Mẹ ẳm con". Thế là Bé Ký vội lấy croquis ngay một lúc mấy tác phẩm. Lát sau anh Đức ra chị Bé Ký khoe:

- Này, em vừa mới vẽ xong.

Anh Đức ngạc nhiên:

- Ở đâu mà bà vẽ nhanh vậy?

Rừng chỉ xuống chỗ loang loáng trên bàn. Anh Đức nói tĩnh bơ:

- Bé Ký thông minh, giỏi, nhưng có cái chậm hiểu là "Tiền bán tranh không chia cho chồng nhậu"

Một chuyện khác của nhà danh họa Tây Ban Nha, họa sĩ Daly. Nghe nói ông mua một tòa dinh thự cổ, ông cho sửa lại toàn bộ ngoại trừ một bức tường rêu phong cũ kỹ loang lỗ, ông giữ nguyên. Nhà họa sĩ đã tuyên bố: "Tất cả tác phẩm của tôi đều do đấy mà ra". Đại loại những mẫu chuyện như thế không thiếu gì nơi các nhà làm nghệ thuật.

Một thứ sáng tạo khác có tính thủ công hơn, đó là tác phẩm được hình thành qua nhiều khâu biến chế lắp ghép. Tất nhiên cũng phải vận dụng trí óc rất nhiều cho việc tính tóan làm ra tác phẩm. Film, thuốc, cách pha và biến chế sao để cho tác phẩm như ý muốn. Mất rất nhiều thì giờ. Sáng tạo loại này phải kiên nhẫn. Mười mấy năm trước, hồi còn bên nhà, có lần tôi từ Nha Trang mang film về Sai gòn, đến chỗ 74 Sương Nguyệt Ánh nhờ anh Tưởng Phi Ngọ phóng, trong số có nhiều tác phẩm sáng tác theo lối chế biến này. Tôi dặn hờ :

- Anh chớ để ai đụng đến film của tôi nhé. Chệch đi là khó ghép lại lắm.

Anh hứa đàng hoàng. Khi nhận ảnh tôi mới tá hỏa, tác phẩm Xóm Quê, lũy tre xoáy vòng, còn túp lều tranh thì đứng yên, đã bị hỏng. Tôi nói như la lên:

- Anh để ai bóc film của tôi, ảnh như vầy mà anh cũng phóng? Xem ảnh ma két của tôi anh không biết nó sai hoàn toàn sao?

Anh thú thật có nhà nhiếp ảnh thấy lạ quá nhất định năn nỉ cho xem film rồi họ bóc ra, khi ghép lại, trật lất. Tôi phải mất cả tiếng đồng hồ, dùng kính lúp mạnh mới ghép được.

Một lối sáng tạo ngay trong việc sử dụng máy ảnh khi chụp, như lia máy để ảnh chao mờ, làm cho tác phẩm sống động hơn, hoặc vận dụng khẩu độ ống kính để tạo hiệu quả mờ nhòe, cũng là lối sáng tạo.

Sáng tạo bằng lối cắt xén, chồng hình, ráp hình, biến dạng hình ảnh thực vv..vv đều là lối sáng tạo thủ công. Lối này hay, lạ ở hình thức nên người chơi phải thay đổi biến chế luôn, nếu cứ một kiểu diễn hoài thì nhàm. Nhất là phải chọn đề tài thật phù hợp và có ý nghĩa. Bao nhiêu năm tôi chỉ ưng ý mỗi tác phẩm Xóm Quê với kỹ thuật xoáy. Nếu cái gì cũng xoáy và xoáy hoài thì hóa ra đồ chơi trẻ con.

Ngày nay khoa học Digital phát triển khá nhanh, không những máy Digital chụp đã tuyệt mà còn nhiều Software ra đời hỗ trợ cho việc sửa đổi hình ảnh cách tinh vi không tưởng được. Các lối sáng tạo thủ công có thể thông qua việc sử dụng Software làm được hết.

Trong lần về thăm nhà vừa qua, tôi có dịp sinh hoạt với nhiều anh em nhiếp ảnh địa phương. Họ đặt câu hỏi :

- Anh nghĩ gì về máy kỹ thuật số (KTS)

- Ranh giới nghệ thuật giữa ảnh truyền thống và ảnh KTS

Tôi đã chia sẻ với họ như sau :

- Trước đây tôi đã khẳng định, máy Digital cùng lắm chỉ sử dụng trong địa hạt du lịch, lưu niệm, quảng cáo mà thôi. Nhưng trong thời gian gần đây, khả năng của Digital đã làm tôi thay đổi nhận định trên. Về mặt kỹ thuật, máy Digital đáp ứng được yêu cầu của một người chơi ảnh trung bình. Máy Digital có thể cho 1 ảnh 16in. x 20in mà không khác gì với ảnh phóng từ film nhựa (những đặc tính khác nghiên cứu riêng về máy Digital). Nhờ có Sotware Adobe Photoshop, công việc buồng tối đỡ vất vả rất nhiều. Nhiều tác phẩm không còn phân định được giữa tác phẩm từ Digital và ảnh "truyền thống". Tất yếu là không thể cô lập và phủ nhận Digital. Trong cơ chế thị trường tất cả những sáng chế hữu ích nhất vẫn được trọng dụng và ưa chuộng. Vậy đến đây, vấn đề sáng tạo trong nghệ thuật, hiểu theo lối xưa nay, có còn đặt ra nữa không. Tất cả những kỹ thuật biến chế từ ông tổ Leopol Fisher cho đến nay có thể nói Sotfware đều làm được và mỗi ngày càng có nhiều phát minh mới về photoshop, giúp cho việc sáng tác càng tinh vi.

Vấn nạn trên gây hoang mang cho nhiều người cầm máy hiện nay, nhất là trong nước. Một câu chuyện cười, trong một cuộc chấm ảnh, hội đồng giám khảo đã xếp ảnh Digital vào ảnh thông thường và ngược lại. Sự việc làm cho giới nhiếp ảnh nghi ngờ khả năng giám khảo, đồng thời chứng tỏ khó phân biệt giữa hai tác phẩm được thực hiện qua hai phương thức khác nhau. Ở Đà Lạt có một Nhiếp Anh Gia được nhiều huy chương quốc tế với ảnh chụp bằng máy Digital.

Tôi nghĩ, nhiên hậu ảnh Digital cũng có vị trí trong ảnh nghệ thuật. Nhưng dù chụp ảnh bằng máy Digital, người chơi ảnh vẫn phải vận dụng công sức tài trí y như những người chơi ảnh khác. Giá trị tác phẩm vẫn dựa trên kết quả của tác phẩm. Nghĩa là tác giả có chứng tỏ được trình độ nghệ thuật và trí thông minh của mình qua sự gạn lọc sáng tạo hay không. Còn sáng tạo bằng cách nào thì đó là vấn đề phương tiện. Trong lúc đã có phản lực tại sao ta phải cứ lóc cóc với chiếc xe đạp, rồi bảo phải giữ truyền thống?

Sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng cần đến nội tâm, cần đến cảm xúc con người. Nếu tác phẩm nghệ thuật là sáng tạo của Robot và máy móc thì không còn là tác phẩm nghệ thuật nữa. Bao giờ và dưới bất cứ dạng nào, nghệ thuật vẫn cần đến trái tim sống động của con người, vì yếu tính của tác phẩm nghệ thuật là từ cảm xúc, từ rung động của trái tim, từ ray rứt ưu tư của khối óc. Nghệ thuật không thể đơn thuần bằng máy móc.

Tháng 4 - 2002

source

http://www.ltcn.net/Nhiepanh/2sangtao.htm

No comments:

Post a Comment