Saturday, 19 June 2010

Phòng bệnh viêm tuyến sữa sau sinh


Thứ hai, 15/3/2010, 9:47 (GMT+7)

Viêm tuyến sữa sau sinh là bệnh thường gặp, nhất là các sản phụ sinh con lần đầu. Bệnh xuất hiện vào khoảng 3-4 tuần đầu sau khi sản phụ cho con bú, nên bệnh mới có tên gọi là viêm tuyến sữa sau sinh.

Nguyên nhân

Vi khuẩn gây bệnh đa số là tụ cầu vàng và liên cầu, thông qua vết nứt trên núm vú hoặc đường tuần hoàn máu bị nhiễm. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là sữa tươi ngưng tụ, vú tiết sữa không thông.

Tự khám tuyến vú.
Tại sao lại thường gặp bệnh này ở những sản phụ sinh con lần đầu? Nguyên nhân chủ yếu là do sinh con lần đầu, da đầu núm vú còn non nớt, lại thêm cho con bú lần đầu thường không đúng cách, khiến bé cứ lôi kéo, ma sát nhiều, gây tổn thương da đầu núm vú, hình thành những vết nứt. Đặc biệt ở những sản phụ núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng quá, khiến bé bú khó khăn nên bé sẽ cắn mút đầu vú, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét, dần dần dưới kích thích bú sữa của bé, đầu vú của sản phụ sẽ nứt rộng hơn. Khi đầu vú đã nứt thì cho con bú sẽ gây đau, sản phụ sẽ cho con bú không đều, thậm chí không cho bú nữa, khi đó một lượng lớn sữa, các sản vật của sữa sau khi phân giải là nơi thích hợp nhất cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa qua vết nứt của đầu vú, sẽ sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa, dẫn đến viêm tuyến sữa.

Triệu chứng

Bệnh nhân bỗng nhiên cảm thấy ớn lạnh, người nóng ran, bầu vú cứng lại, nổi lên từng cục hồng và gây đau đớn. Nếu kịp thời dùng thuốc kháng sinh thì bệnh tình sẽ được khống chế rất nhanh. Nếu điều trị không kịp thời hoặc không điều trị, thì bệnh sẽ nặng lên rất nhanh, đau đớn cục bộ, ấn nhẹ vào cũng rất đau, sốt cao không hạ, dẫn tới mưng mủ cục bộ, thậm chí dẫn tới chứng bại huyết. Vì vậy, tích cực đề phòng và trị liệu bệnh này là một trong những nội dung quan trọng nhất của bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em sau sinh.

Cấu tạo tuyến sữa.
Điều trị

Cần điều trị càng sớm càng tốt, ngay từ khi bệnh mới phát. Khi cho con bú mà cảm thấy đau đầu vú, thì sau khi con bú hãy bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ, dầu gan cá. Nếu đầu vú đã nứt, có thể tạm dừng cho bé bú trực tiếp mà hãy dùng dụng cụ hút sữa, hút sữa ra cho bé bú, hoặc dùng núm trợ bằng silicon hoặc cao su. Nếu đã viêm tuyến sữa cấp tính thì bắt buộc phải uống kháng sinh theo đơn của bác sĩ. Nếu đã mưng mủ thì bắt buộc phải rạch để lấy hết mủ ra. Ngoài ra có thể kết hợp uống các loại thanh nhiệt giải độc của Đông y, hiệu quả sẽ càng tốt hơn.

Đề phòng

Việc đầu tiên phòng nứt đầu vú là trong thời kỳ đầu mang thai, nếu núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng thì phải vê kéo dần ra ngoài hàng ngày, nhất là từ khi mang thai 5 tháng, nên rửa sạch, sau đó bôi lên chút dầu ăn, khiến lớp da đầu vú dày và vững hơn, khi sinh nở và cho con bú sẽ không bị nứt nữa. Tiếp đến, cần cho con bú đúng giờ, mỗi lần bú không quá dài, khoảng 10 -15 phút là đủ, không để trẻ ngậm đầu vú ngủ. Mỗi lần cho bú phải bú hết sạch bên này rồi mới đổi sang bên kia, nếu bú không hết thì hút sữa ra. Lần kế tiếp cho bú thì lại bú bên kia trước, hết sạch rồi mới đổi sang bên này. Thay đổi kế tiếp như vậy để tránh việc sữa không được bú hết sẽ tích tụ lại. Nếu có điều kiện bạn nên tận dụng sự tư vấn, giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa.

BS. NGỌC LAN

source

http://suckhoedoisong.vn/20100315094453784p45c51/phong-benh-viem-tuyen-sua-sau-sinh.htm

No comments:

Post a Comment