Wednesday, 28 July 2010

Lưu ý bà bầu khi ở công sở


Lưu ý bà bầu khi ở công sở
12 / 05 / 2008 01:12:00 PM
Cho dù bạn mệt mỏi vì những triệu chứng khó chịu của thời kỳ thai nghén, bạn vẫn phải hoàn thành công việc của mình. Cách tốt nhất là hãy làm quen và thích nghi với tình trạng mới của bạn.

Ốm nghén

Tùy theo cơ địa của từng người, nhưng đa phần phụ nữ mang thai đều phải trải qua tình trạng này trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt các tình trạng này bằng cách:

Tránh xa tác nhân gây buồn nôn: Mũi bạn đặc biệt nhạy cảm với một số mùi thức ăn và hương thơm khiến bạn cảm thấy nôn nao, khó chịu…

Bạn cần nhận biết các loại mùi này và tránh xa nó.



Ăn “qua loa”: Hãy luôn để trong ngăn bàn hoặc tủ làm việc của bạn những đồ ăn nhẹ bạn thích. Đừng để mình bị đói hay no quá, vì lúc đó sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng buồn nôn.

Uống nhiều nước: Cơ thể bạn rất cần nước khi mang thai, đặc biệt là giai đoạn đầu. Nếu bạn không cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể cũng rất dễ bị buồn nôn.

Ngủ đủ giấc: Hãy để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ. Bạn càng mệt mỏi càng có cảm giác buồn nôn.

Kiểm soát mệt mỏi

Mệt mỏi là triệu chứng song hành cùng bạn trong suốt thai kỳ, đặc biệt ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Hãy làm quen với triệu chứng này bằng cách:

Sắp “lịch làm việc” cho cơ thể: Hãy tập trung giải quyết những công việc quan trọng, cần sự tập trung cao vào khoảng thời gian mà bạn làm việc hiệu quả nhất trong ngày (buổi sáng hay buổi chiều).

Thời gian còn lại là lúc bạn bị sự mệt mỏi làm mất tập trung, vì vậy bạn chỉ nên giải quyết những công việc lặt vặt còn lại.

Nghỉ ngơi: Đừng nên làm việc quá sức mà phải kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Cứ cách khoảng 1 – 2 giờ, bạn nên đứng dậy đi lại vài phút, làm vài động tác thể dục đơn giản cho thư giãn.

Bạn cần phải nghỉ trưa, dù bạn không buồn ngủ. Chỉ cần nhắm mắt khoảng 30 phút, để cho toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi, bạn sẽ giảm được rất nhiều sự mệt mỏi.

Không “ôm đồm” quá nhiều việc: Tình trạng thai nghén không cho phép bạn làm việc quá nhiều, vì vậy, bạn chỉ nên tập trung vào những công việc chính của mình và để dành thời gian nghỉ ngơi.

Tập thể dục: Sau giờ làm việc, buổi tối hoặc buổi sáng sớm, nếu bạn có thể sắp xếp được thời gian, hãy tập thể dục nhẹ như đi dạo, bơi… vừa giảm stress vừa tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối những bài tập đòi hỏi sự căng cơ của yoga hay Pilates sẽ không thích hợp với bạn nữa. (Do các khớp và dây chằng của bạn sẽ dãn dần trong khi mang thai nên những bài tập này có thể khiến bạn bị tổn thương).

Ngủ đúng giờ: Bạn cần có chế độ ăn ngủ đúng giờ, điều độ. Sinh hoạt không theo giờ giấc dễ làm bạn mệt mỏi hơn.

Đi khám thai

Trong những tháng đầu thai kỳ, bạn nên đi khám thai định kỳ hàng tháng và tăng dần các lần khám khi vào giai đoạn cuối.

Để tránh ảnh hưởng đến công việc, bạn có thể đi khám vào buổi trưa hoặc ngoài giờ hành chính. Bạn nên sắp xếp lịch hẹn với bác sĩ để có được sự chăm sóc tốt nhất.

Sắp xếp chi tiêu hợp lý

Không chỉ vòng 2 mà cả vòng 1 và vòng 3 của bạn cũng sẽ ngày càng to ra. Do vậy, bạn sẽ cần có những bộ trang phục mới. Hãy cân nhắc và tính toán cẩn thận bởi rất có thể, bạn sẽ phải mua sắm đến 3 – 4 đợt quần áo mới.

Sự tích kiệm hợp lý rất cần thiết cho bạn bởi bạn sẽ còn phải chi tiêu nhiều khi bạn sinh và nuôi bé sau này. (Theo ước tính, bạn sẽ mất khoảng 25 – 30 % tổng thu nhập của gia đình cho những nhu cầu của bé yêu).

Vận động thích hợp

Đừng nên để cảm giác “chây ì” chế ngự bạn. Hãy chịu khó vận động hợp lý, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn.

Ngồi: Nếu như bạn làm công việc văn phòng, ghế ngồi rất quan trọng. Ghế có độ cao vừa phải để giúp bạn dễ đứng lên ngồi xuống, và có chỗ tì cánh tay, có đệm mút…

Chú ý đến độ chắc chắn của ghế. Nếu có thể hãy gác chân bạn lên cao để giảm hiện tượng phù trong giai đoạn cuối thai kỳ.

Đứng: Khi mang bầu, sự giãn nở mạch máu khiến cho máu dồn xuống chân khi bạn đứng lâu. Hiện tượng này có thể làm bạn thấy đau, hoa mắt chóng mặt, thậm chí còn bị ngất.

Khi đứng, bạn có thể kết hợp tựa lưng vào tường, để giảm sức đè lên chân. Bạn cũng có thể đặt một chân lên cái hộp hoặc cái ghế thấp. Rồi lần lượt đổi tư thế sang chân kia.

Hãy chọn giày cho thật thoải mái, thỉnh thoảng bỏ giày ra để chân được nghỉ ngơi thoáng đãng.

Cúi người và bê đồ: Để tránh bị đau lưng, hãy chú ý đến tư thế chuẩn khi cúi người hoặc mang vác vật nặng.

Ngồi hẳn xuống và giữ chặt vật cần mang, giữ thẳng lưng hết sức có thể. Giữ vật gần sát với cơ thể khi vận dụng cơ chân đứng dậy.

Uốn cong đầu gối một bên chân sao cho đầu gối cao hơn phần eo để lấy một vật gì lên khỏi sàn nhà. Tránh xoay người khi bê đồ.

Điều kiện làm việc

Điều kiện làm việc và những công việc hàng ngày ở công sở có thể gây nguy hiểm đối với bạn. Bạn nên lưu ý khi:

Mang vác vật nặng liên tục

Đứng quá lâu

Làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao, có độ rung mạnh, chẳng hạn như từ các nhà máy sản xuất công nghiệp

Tiếp xúc với hoá chất độc hại

Sắp đến ngày sinh

Ngoài việc chuẩn bị những thứ cần thiết khi bạn đi sinh, bạn cũng cần phải sắp xếp lại công việc của mình cho hợp lý.

Hãy báo cho cấp trên của bạn biết ngày dự sinh trước khoảng 2 tháng để đảm bảo công việc của bạn sẽ không bị gián đoạn trong thời gian bạn nghỉ.

Bạn cũng cần phải tìm hiểu về chính sách hỗ trợ đối với sản phụ ở cơ quan cũng như các chế độ bảo hiểm để được trợ giúp hợp lý.
Dự tính đi làm trở lại khi bạn hoàn toàn sẵn sàng cả về thể chất và tinh thần.

Minh Châu (mevabe.net)

source

http://mevabe.net/News/vi-VN/Detail/2008/5/12/2467.aspx

No comments:

Post a Comment